Không quá lời khi nói rằng cha mẹ là người thầy đầu tiên của đứa trẻ từ khi chào đời. “Con không nên người, lỗi tại cha”, điều này chứng tỏ không thể bỏ qua ảnh hưởng của người cha đối với tính cách và nhân phẩm của con cái.
Trước đây, giáo dục trong gia đình luôn theo tiêu chuẩn "cha nghiêm, mẹ thương", nhưng ngày nay đã bắt đầu chuyển thành "cha thương, mẹ nghiêm". Trong nhiều gia đình, cha không quan tâm, mẹ thì gánh tất cả trách nhiệm chăm sóc và dạy dỗ con cái.
Nhưng trong quá trình trưởng thành của trẻ em, sự giáo dục của người cha có giá trị đặc biệt, nhất là đối với các bé trai, người cha là tấm gương không thể thiếu đối với chúng. Nếu mất đi hình mẫu này, trẻ sẽ rơi vào trạng thái hoang mang, gặp những vấn đề như mặc cảm, xa lánh mọi người…
Khi còn nhỏ, cha mẹ luôn nói với con: “Không phải lo chuyện khác, nhiệm vụ quan trọng nhất của con là học”. Tuy nhiên, giáo dục phải toàn diện về bản chất, không nên chỉ dạy con những lý thuyết trong sách. Cần uốn nắn con đồng thời vừa trở thành “người thành công” trong học tập và “người thành công” trong cuộc sống. Vì vậy ở thời điểm này, người cha đóng vai trò quyết định. Giáo sư tâm lý Fudan cũng chỉ ra rằng ảnh hưởng của người cha đối với con cái là rất quan trọng và người cha có 5 điểm sau đây sẽ tốt cho sự trưởng thành của con.
Một người cha xử lý tốt mối quan hệ giữa vợ và chồng
Một quảng cáo dịch vụ công cộng đã từng phân tách từ "gia đình" trong tiếng Anh (family) thành "father and mother I love you" (bố mẹ, con yêu hai người). Thông điệp này được giải thích là “chỉ một gia đình tràn đầy tình yêu thương mới có thể được gọi là nhà”. Trong một gia đình, ngoài tình yêu thương quên mình của cha mẹ dành cho con cái thì tình nghĩa vợ chồng cũng rất quan trọng và là nền tảng. Nếu người cha xử lý tốt mối quan hệ hôn nhân, có thể tác động đến đứa trẻ suốt đời .
Nếu người cha không tôn trọng mẹ của những đứa trẻ và thường xuyên lớn tiếng, sẽ dễ khiến đứa trẻ lớn lên trở nên vô lễ với phụ nữ hoặc rất ngang ngược. Ngược lại, nếu người cha có thể xử lý tốt mối quan hệ vợ chồng, đứa trẻ sẽ được học theo, đối xử tốt với phụ nữ.
Người cha luôn đồng hành cùng con
Một người cha là doanh nhân, ông thường rất bận rộn với công việc và thường xuyên phải đi công tác. Đến ngày nghỉ, con gái của ông đã vui mừng khôn xiết khi biết rằng cuối cùng cha cũng có thể ở nhà chơi cùng cô. Khi cô bé đến phòng làm việc tìm, người cha lại lấy lý do bận làm việc và đề nghị cô bé tìm mẹ chơi cùng.
Cha mẹ hãy nhớ rằng con trẻ chỉ có một tuổi thơ, vì vậy hãy ở bên con nhiều hơn. Công việc bận rộn, vất vả cũng là muốn cho đứa trẻ có một tương lai tốt đẹp, nhưng khi được nghỉ ngơi, bạn hãy dành thời gian đồng hành cùng trẻ. Sự đồng hành của người cha có thể khiến trẻ cảm thấy yêu đời hơn và có thêm sự tự tin, can đảm để đối mặt với cuộc sống khó khăn sau này.
Người cha với cái nhìn rất tích cực
Đối với đứa trẻ, hành động của người cha sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hướng phát triển sau này, ông bố có cái nhìn tích cực rất tốt trong việc giúp trẻ định hình lối suy nghĩ, những khi trẻ mắc lỗi có thể dễ dàng kéo trẻ lại.
Đồng thời, tam quan của người cha cũng quyết định cuộc đời của đứa trẻ. Người cha luôn suy nghĩ tích cực sẽ dạy con những điều hay, cái đẹp trong cuộc sống, giúp trẻ sớm nhận biết đâu là tốt, đâu là xấu và cần phải tránh xa những điều tiêu cực như thế nào.
Người cha luôn tôn trọng ý kiến của con cái
Nếu người cha là một người đàn ông quá gia trưởng và có tính kiểm soát mạnh mẽ, muốn điều khiển mọi việc trong cuộc sống của con cái thì khi chúng lớn lên sẽ như thế nào?
Khi trẻ bắt đầu có những cách nhìn của riêng mình, chúng có thể không còn hòa hợp với cha mẹ, bắt đầu nảy sinh suy nghĩ tiêu cực, làm ngược lại với tất cả những thứ cha mẹ mong muốn.
Người cha quá độc đoán sẽ dễ gây áp lực cho con và ảnh hưởng đến tình cảm cha con. Một tác hại khác của việc giúp trẻ đưa ra quyết định chính là trẻ rất dễ trở nên nhu nhược, đặc biệt là đối với các bé trai. Vì vậy, là một người cha, bạn hãy tôn trọng ý kiến của con mình, cho con tự do lựa chọn trong phạm vi nhất định, đồng thời trau dồi cho con khả năng phán đoán sự việc và đưa ra giải pháp.
Người cha có nguyên tắc
Các ông bố ngày nay nhìn chung đều nhẹ nhàng với trẻ, đó là một lợi thế, nhưng đôi khi họ cũng nên thiết lập uy quyền. Nếu chỉ vì yêu thương mà chiều chuộng trẻ quá mức, đôi khi sẽ khiến trẻ trở nên vô lễ và thiếu tôn trọng người lớn. Người cha muốn trở nên nguyên tắc, không nhất thiết phải quá gay gắt với con, chỉ cần yêu cầu trẻ tuân thủ một số giới hạn nhất định mà cha mẹ vạch ra.
Nếu trẻ đã làm điều gì sai, thì dù trẻ có chối cãi hay làm nũng để được thoát tội, bố cũng phải kiên quyết nói "Không" với những “mẹo thoát tội” ấy. Bằng cách này, người cha có thể thiết lập một hình tượng uy nghiêm trong trái tim đứa trẻ bởi các nguyên tắc và sự kiên định của mình, thay vì quá chiều chuộng dẫn đến hại con.