Khám định kỳ để phát hiện ung thư sớm
Tình cờ đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, chị Đ.T.M (Hà Nội) phát hiện có chấm đen ở phổi và có chỉ định sinh thiết. Kết quả, chị M bị ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn 1b (giai đoạn sớm), có thể phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Theo chị M, trước khi phát hiện mắc ung thư phổi, sức khoẻ chị hoàn toàn bình thường, không có triệu chứng ho hay đau tức ngực. Chị đi khám sức khoẻ đã tình cờ phát hiện ra khối u ở phổi. Khi biết mắc ung thư phổi ở giai đoạn sớm, chị M cảm thấy may mắn và có niềm tin chiến thắng bệnh tật.
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính rất phổ biến, đứng thứ 2 về số ca mắc mới (theo GLOBOCAN 2020) và là bệnh ung thư có tỉ lệ di căn não cao nhất hiện nay. Các triệu chứng của ung thư phổi thường rất mờ nhạt khó phát hiện ở giai đoạn sớm nếu không khám và chụp phổi. Đa phần các trường hợp mắc ung thư phổi giai đoạn sớm đều là tình cờ phát hiện ra.
Theo các bác sĩ, khi ung thư phổi có triệu chứng thường bệnh đã ở giai đoạn tiến triển. Một số dấu hiệu gợi ý ung thư phổi không thể bỏ qua như: Ho khan kéo dài; Ho ra máu; Đau ngực âm ỉ; Khó thở, khó nuốt; Sút cân không rõ nguyên nhân…
Chụp X quang là cách để phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm, nguồn ảnh: Internet.
TS.BS Phạm Văn Luận, Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, những người có tiền sử hút thuốc lá, thuốc lào thường có nguy cơ cao mắc ung thư phổi; ngoài ra, những người có người thân từng mắc ung thư phổi cũng sẽ có nguy cơ cao và được khuyến cáo nên đi tầm soát sớm.
Theo bác sĩ Luận, việc tầm soát ung thư phổi ở giai đoạn sớm bằng cách chụp cắt lớp vi tính phân giải liều thấp đã có thể giúp phát hiện khối u. Việc phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn sớm sẽ có tiên lượng tốt trong điều trị.
Điều trị ung thư phổi phát hiện ở giai đoạn muộn thường rất khó khăn, các phương pháp điều trị toàn thân được áp dụng với mong muốn kéo dài thời gian sống, giảm nhẹ triệu chứng, việc duy trì và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh là ưu tiên hàng đầu.
Yếu tố tăng nguy cơ mắc ung thư phổi
Ths.BS Nguyễn Tiến Đồng, Trung tâm y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân gây ra ung thư phổi. Tuy nhiên, có những yếu tố nguy cơ thúc đẩy ung thư phổi đến sớm, ví dụ như hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động; ô nhiễm không khí, bụi mụn, chất phóng xạ; yếu tố gia đình
Trong đó, hút thuốc (thuốc lá và thuốc lào) là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, 80% trường hợp mắc ung thư phổi ở nam giới và 50% tỷ lệ ung thư phổi ở nữ có liên quan đến hút thuốc lá.
Các nghiên cứu đã chỉ ra nguy cơ mắc ung thư phổi cũng gia tăng theo số lượng thuốc hút hàng ngày, số năm hút thuốc, tuổi bắt đầu hút. Sau khi ngừng thuốc lá 10-15 năm thì nguy cơ mắc ung thư phổi sẽ giảm đi một nửa so với người đang hút thuốc lá.
Bên cạnh đó, nguy cơ bị ung thư phổi cũng tăng cao ở những người hút thuốc lá thụ động.
Ô nhiễm không khí cũng làm gia tăng nguy cơ ung thư phổi. Các chất gây ô nhiễm là các chất thải từ quá trình đốt nhiên liệu trong sinh hoạt, giao thông, công nghiệp, rác thải công nghiệp, bụi, phóng xạ… Người ta nhận thấy tỉ lệ ung thư phổi thường nhiều hơn ở những nước có nền công nghiệp và giao thông phát triển.
"Hiện nay, tại Việt Nam có 2 yếu tố được nhắc tới nhiều là khói thuốc và ô nhiễm không khí, có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi", bác sĩ Đồng nói.
Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi như nghề nghiệp làm việc trong môi trường tia xạ ion hóa, amiang, bụi silic… Một số yếu tố khác có liên quan tới ung thư phổi như gen, tuổi (tuổi càng cao nguy cơ ung thư càng tăng).
Theo bác sĩ Đồng, cách dự phòng ung thư tốt nhất là tránh xa khói thuốc lá. Dự phòng ung thư phổi bằng cách tuân thủ các nguyên tắc về lao động an toàn. Khi tham gia giao thông cần mang khẩu trang để tránh bụi, trong nhà nên sử dụng thêm máy lọc không khí.
Để có sức khoẻ tốt phòng chống lại bệnh tật, chuyên gia lưu ý mọi người nên tăng cường luyện tập thể thao giúp dự phòng ung thư, đặc biệt cần khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện ung thư sớm và điều trị được hiệu quả.