Không khó để nhận thấy ngày càng nhiều người chịu đầu tư tiền bạc lẫn thời gian để trang trí, sắp đặt không gian sống. Số tiền dùng để chi cho việc cải tạo có thể lên tới tiền trăm, tiền tỷ, nhưng thành quả là 1 căn nhà đã "lột xác" hoàn toàn trở nên hiện đại với công năng được tối đa hoá đã khiến nhiều người khẳng định đây vẫn là 1 quyết định đúng đắn và xứng đáng!
Hình ảnh căn nhà sau khi cải tạo của vợ chồng Nguyễn Ngọc Anh (28 tuổi, Hà Nội) chính là 1 đơn cử.
Tự thiết kế để tiết kiệm chi phí và mang đậm dấu ấn cá nhân
Toàn bộ chi phí cải tạo, thi công, nội thất và thiết bị nhà cửa rơi vào khoảng 900 triệu đồng.
"Ngôi nhà này mình cải tạo lại từ nhà cũ, vì nhà đã được bàn giao lâu nên bên trong cũng đã cũ và sập sệ. Tính 2 vợ chồng mình thì không thích không gian cũ nên đã bàn bạc và lên ý tưởng để chia lại không gian 1 chút.
Vì chồng mình là kiến trúc sư nên toàn bộ ý tưởng thiết kế cũng như cải tạo nhà đều là do 2 vợ chồng mình cùng trao đổi và thống nhất với nhau. Cùng với đó, bọn mình cũng tham khảo các thiết kế theo phong cách yêu thích trên các trang mạng nước ngoài. Chính vì tự làm tất cả nên bọn mình cũng tiết kiệm được khá nhiều chi phí. Tuy nhiên thời gian thi công khá lâu do vướng vào đợt giãn cách xã hội nên bọn mình mất 6 tháng mới có thể chuyển về nhà mới." - Ngọc Anh chia sẻ.
Thời điểm đó, Ngọc Anh cũng đang mang thai tháng thứ 3 nên muốn tiến hành cải tạo sớm để kịp đón em bé ở ngôi nhà mới.
1 góc nhà trước và sau khi cải tạo của Ngọc Anh.
Chia sẻ về không gian yêu thích nhất, Ngọc Anh cho biết: "Mình thích nhất là không gian sinh hoạt chung của nhà mình là phòng khách và bàn ăn, vì được chia lại không gian nên khu vực này của nhà mình rất thoáng, vuông vắn và hợp lý với nhu cầu sử dụng của gia đình mình.
Ngoài ra, mình cũng vô cùng tâm đắc khu vực cửa sổ đằng sau sofa. Bọn mình đã phải mất 1 tuần để đục bức tường đó, nhưng bù lại thì cả không gian phòng ngủ lẫn phòng khách đều có sự kết nối với nhau và khiến cho nhà mình trở nên ấm cúng hơn rất nhiều."
Những điều cần lưu ý khi lên ngân sách cải tạo nhà cũ đã xuống cấp
Bật mí về kế hoạch chi tiêu để có kinh phí xây dựng tổ ấm riêng của 2 vợ chồng, Ngọc Anh nói thêm: "Vợ chồng mình lúc bắt đầu cũng không có quá nhiều tích luỹ để có thể chi một khoản lớn như vậy cho việc sửa nhà, nên cũng phải cân đo đong đếm khá nhiều. Nhưng vì là ngôi nhà đầu tiên, lại chuẩn bị đón con gái đầu lòng, nên chúng mình cũng muốn ngôi nhà được chỉn chu nhất có thể. Mình thấy có khá nhiều bạn quan tâm về chi phí và kinh nghiệm của mình khi cải tạo nhà nên hôm nay mình sẽ chia sẻ cách mà chúng mình áp dụng cho việc lập kế hoạch tài chính khi sửa nhà nhé.
+ Đầu tiên các bạn cần nắm được cách phân loại rõ ràng các nhóm hạng mục cần chi tiêu cần thiết. Vc mình chia thành 2 hạng mục đó là: Các hạng mục không thể thay thế/bổ sung/sửa chữa và các hạng mục có thể thay thế/bổ sung/sửa chữa.
+ Cụ thể hơn, các hạng mục không thể thay thế/ bổ sung hay sửa chữa là các hạng mục gắn liền với ngôi nhà, mà sau này trong quá trình sử dụng bạn không thể hoặc sẽ rất khó nếu bạn muốn thay đổi nó, như: sàn gỗ, gạch lát nền, gạch ốp lát WC, sơn tường, tủ bếp, tủ quần áo, bàn đá bếp, thiết bị vệ sinh,… Vì vậy, mình ưu tiên lựa chọn những chất liệu tốt, bền vững, dù giá cả có thể hơi cao chút nhưng bù lại là giá trị sử dụng lâu dài.
Diện mạo mới đầy tinh tế, góc nào cũng rất xinh xắn.
+ Các hạng mục có thể thay thế/bổ sung/sửa chữa là các hạng mục như đồ nội thất rời: bàn trà, sofa, bàn ghế ăn, giường, v.v… các đồ décor trang trí, các thiết bị điện tử như: TV, tủ lạnh, máy giặt máy sấy, v.v… (riêng hạng mục đồ điện tử này mình lại còn phân loại nó ra nhỏ hơn nữa thành 3 nhóm theo nhu cầu cấp thiết cơ, nếu các bạn quan tâm thì clip sau mình sẽ nói sâu hơn về riêng mảng này nhé).
+ Việc hoàn thiện dần dần căn nhà theo thời gian bằng những món đồ décor, đồ nội thất rời cũng là 1 cách để mình liên tục refresh lại không gian sống, làm mới nó để luôn có cảm hứng với ngồi nhà của mình."
Nhìn chung, có thể thấy, để cải tạo 1 ngôi nhà không phải điều đơn giản và thậm chí, có tiết kiệm chi phí tối đa đến cỡ nào, số tiền bạn cần bỏ ra cũng không ít. Không chỉ thế, chúng ta còn cần đầu tư cả thời gian, công sức và tâm huyết để mọi thứ được như ý. Thế nhưng, nhờ tất cả những điều đó mà cảm xúc sau khi ngôi nhà được hoàn thành chắc chắn sẽ khó mà quên được.
"Cảm xúc ngày đầu tiên của mình khi chuyển về nhà mới có lẽ là điều mà mình không thể nào quên được. Vui hơn nữa là mỗi khi mời bạn bè, người thân đến nhà, hoặc đăng ảnh một góc nào đó lên mạng xã hội thì đều nhận được những phản hồi yêu thích của mọi người. Điều đó làm mình rất hạnh phúc", Ngọc Anh nói thêm.
Bài viết ghi theo chia sẻ của nhân vật - Ảnh: NVCC