Sức khỏe chúng ta không xấu đi một cách đột ngột mà trải qua theo thời gian. Cơ thể luôn cảnh báo sớm bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, đa phần chúng ta không nhận ra hoặc lờ đi, xem nhẹ. Nếu chú ý hơn một chút, bạn có thể nắm được tình hình sức khỏe ngay từ những triệu chứng ban đầu để tìm hiểu nguyên nhân và cách điều chỉnh trước khi chúng trở nên nghiêm trọng.
Bạn có đang khỏe hay không?
Khi quan sát người khác chúng ta có thể phần nào thấy được tình trạng sức khỏe của họ. Vậy nên, sẽ có những dấu hiệu cơ bản và khá đơn giản để các bạn có thể đánh giá được tình trạng sức khỏe của mình.
1.Làn da - Thước đo sức khỏe
Rất nhiều dấu hiệu về tình trạng sức khỏe được thông báo qua da. Theo lời của Tiến sĩ Owen thuộc Học viện Da liễu Hoa Kỳ, các dấu hiệu bất thường trên da có thể chỉ ra một vấn đề liên quan đến sức khỏe.
Da hơi vàng: Dấu hiệu của một tuyến giáp kém hoạt động.
Một mảng da mềm, sẫm màu gần cổ hoặc nách có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Nếu bàn tay hoặc bàn chân của bạn bị đổi màu nâu, đó có thể là dấu hiệu ban đầu của các vấn đề về thận.
Da bị ngứa có thể là dấu hiệu ban đầu của bệnh viêm gan.
Da khô, sạm, đen là những dấu hiệu ban đầu của tuyến giáp thấp.
Nếu bạn là một người trưởng thành và vẫn đang phải vật lộn với mụn trứng cá, đây có thể là do căng thẳng, các vấn đề về hormone, chế độ ăn uống hoặc dị ứng.
2.Thức dậy mà không cần đồng hồ báo thức
Bạn thức dậy vào buổi sáng một cách tự nhiên, vào đúng một khung giờ nhất định, cảm thấy thoải mái mà không cần tiếng chuông báo thức. Như vậy có nghĩa, cơ thể bạn đã được nghỉ ngơi đầy đủ.
Theo cuộc khảo sát của National Sleep Foundation, những người thức dậy một cách tự nhiên cho thấy họ có một giấc ngủ trọn vẹn, phù hợp với nhu cầu cơ thể hơn những người cần dùng đồng hồ báo thức.
Khi có một giấc ngủ tốt chứng tỏ các bộ phận bên trong cơ thể đang hoạt động một cách bình thường.
Nếu ngủ không ngon giấc hoặc mất ngủ có nghĩa bạn đang có những trục trặc về sức khỏe. Từ đó sẽ khó khăn trong việc thức dậy vào sáng hôm sau và đi kèm với tinh thần mệt mỏi, uể oải.
3.Đôi mắt nói gì về sức khỏe?
Đôi mắt có thể cho bạn biết kha khá thông tin về tình trạng sức khỏe của mình.
Mắt lờ đờ, mờ đục: Cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng.
Mắt lồi: Tuyến giáp hoạt động quá mức
Phần lòng trắng ngả vàng: Nguy cơ bệnh vàng da
Những mảng vàng sần trên mí mắt: Dấu hiệu cholesterol cao.
4.Chú ý đến khứu giác
Khứu giác kém, khó nắm bắt được mùi có thể do các bệnh viêm xoang. Và những người có khứu giác kém có nguy cơ mắc bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer cao hơn.
Mất khứu giác cũng là một trong nhiều triệu chứng của coronavirus COVID-19.
5.Quan sát màu nước tiểu
Bạn rất nên chú ý đến màu nước tiểu của mình. Bạn biết đấy, kiểm tra nước tiểu là một trong các bước mà qua đó các bác sĩ có thể phát hiện được các vấn đề bên trong cơ thể.
Màu nước tiểu của một cơ thể khỏe mạnh thường có màu vàng rơm, vàng nhạt. Trắng hơn hay sậm màu hơn đều chứng tỏ cơ thể đang gặp vấn đề.
Nước tiểu có màu cam hay nâu sẫm có thể do bạn uống thiếu nước và nên kiểm tra lại chế độ ăn hoặc các chất mà bạn đang bổ sung vào cơ thể. Uống thuốc quá nhiều trong thời gian dài cũng khiến nước tiểu đổi màu. Bạn có thể ngừng những thứ không cần thiết mà bạn nghi ngờ độc hại trong vài ngày để kiểm tra màu nước tiểu.
Nước tiểu có bọt cho thấy một chế độ ăn quá nhiều protein, nên giảm bớt ăn đạm động vật. Nước tiểu đục, màu sữa có thể bạn đang gặp vấn đề về thận hay túi mật.
Nước tiểu có máu là dấu hiệu nghiêm trọng mà bạn nên sớm tìm gặp bác sĩ.
6.Đầu ra của hệ thống tiêu hóa
Số lượng và chất lượng từ đầu ra của hệ thống tiêu hóa là những dấu hiệu rất rõ ràng về tình trạng sức khỏe của bạn. Dù Đông y hay Tây y, cả hai đều rất chú ý đến dấu hiệu này.
Đi cầu không thường xuyên hay không đi trong vài ngày là dấu hiệu cơ thể đang thiếu chất xơ, thiếu nước, bị táo bón hoặc do không ăn sáng.
Chất thải bốc mùi nặng: Dư thừa chất béo chưa được hấp thụ.
Có màu đỏ tươi: Do thức ăn hoặc nguyên nhân bệnh trĩ.
Có màu quá sẫm: Do thuốc bổ sung sắt hoặc xuất huyết nội.
Màu nhợt nhạt hoặc xám: Có thể do các vấn đề về tuyến tụy hoặc đường tiêu hóa.
Kết cấu cứng và khô như phân dê: Có thể do bạn dùng thuốc, thiếu nước và chất xơ), chế độ ăn giàu đạm động vật ít rau củ ngũ cốc.
Kết cấu lỏng: Có thể do virus, nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc tăng đột ngột chất xơ.
Kết cấu giống như một chiếc bút chì: Có thể là dấu hiệu của ung thư ruột kết.
7.Màu sắc và kết cấu móng tay
Một bộ móng tay của người có sức khỏe tốt thường có màu hồng, bề mặt bóng, chạm vào cảm giác móng chắc chắn.
Dưới đây là một vài dấu hiệu mà móng tay thể hiện tình trạng sức khỏe kém:
Móng khô và giòn có thể dễ dàng tách ra: các vấn đề về tuyến giáp.
Móng tay trắng: Có vấn đề về gan.
Móng hơi vàng, đặc và lâu dài: Vấn đề về phổi.
Móng hơi vàng với một chút ửng đỏ ở gốc: Bệnh tiểu đường.
Móng nửa trắng và nửa hồng: Vấn đề về thận.
Móng nhợt nhạt, màu trắng: Thiếu máu với số lượng hồng cầu thấp.
Móng mỏng, lõm và có gờ nổi lên: Thiếu sắt.
Bề mặt gợn sóng: Viêm khớp.
8.Cấu trúc và màu sắc lưỡi
Lưỡi của người khỏe mạnh thường có màu hồng và những nốt sần nhỏ. Lưỡi có vấn đề thường đổi màu nổi các cục u, sần sùi đều là những dấu hiệu cho thấy sức khỏe có vấn đề.
Một lớp phủ màu trắng dày trên lưỡi có thể là nhiễm trùng nấm, dùng quá liều thuốc kháng sinh hoặc sử dụng quá nhiều nước súc miệng.
Màu nhợt nhạt có thể là do thiếu hồng cầu.
Màu đỏ tươi có thể thiếu sắt và vitamin B.
Màu tím có thể là cholesterol cao hoặc viêm phế quản mãn tính.
Nếu kết cấu xuất hiện các đốm đỏ nổi lên, đó có thể là do uống đồ uống nóng hoặc thiếu vitamin C.
Nếu bạn bị khô lưỡi, đó có thể là do căng thẳng.
9.Chỉ số nhịp tim khi nghỉ ngơi
Đối với hầu hết người lớn, nhịp tim khi nghỉ ngơi bình thường dao động trong khoảng 60-80 nhịp mỗi phút. Nhịp tim khi nghỉ ngơi thấp hơn có nghĩa là bạn có hệ tim mạch khỏe.
Nếu nhịp tim khi nghỉ ngơi của bạn cao hơn 80 nhịp/ phút, hãy tập luyện các bộ môn như chạy bộ, nhảy dây, đạp xe, khiêu vũ,...
Thời gian để nhịp tim trở lại bình thường sau một buổi tập luyện từ 5 – 10 phút có nghĩa cơ thể bạn đang khỏe mạnh. Nếu lâu hơn, sức khỏe của bạn không được tốt lắm.
10.Chỉ số BMI
Chỉ số BMI là chỉ số khối cơ thể. Kết quả chỉ số khối dựa trên chiều cao và cân nặng hiện tại của bạn: BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)2]
Bạn có thể kiểm tra kết quả online và xem chỉ số của mình đang ở ngưỡng nào để điều chỉnh. Thấp gầy hay thừa cân béo phì đều không tốt. Bạn nên thay đổi chế độ dinh dưỡng của mình.
Thường xuyên kiểm tra, theo dõi những dấu hiệu ở trên bạn sẽ nhanh chóng tiến đến một con người khỏe mạnh. Để giữ gìn sức khỏe, hãy duy trì cho mình thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh.