Theo ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDirect, thời điểm hiện tại, thanh khoản hệ thống ngân hàng đang rất dồi dào, thậm chí là dư thừa do tăng trưởng tín dụng yếu hơn kỳ vọng. Năm nay, tỷ giá cũng được hỗ trợ bởi nguồn cung dồi dào hơn từ thặng dư thương mại.
Cụ thể, 9 tháng năm 2023, Việt Nam có thặng dư thương mại 21,68 tỷ USD, trong khi đó cùng kỳ năm trước mức thặng dư thương mại hàng hóa chỉ 6,76 tỷ USD. Cùng đó, FDI và kiều hối duy trì tích cực, nguồn cung ngoại tệ được bổ sung từ một số thỏa thuận bán vốn cổ phần cho nhà đầu tư ngoại.
Nhưng theo dữ liệu giao dịch trong tháng 9, tỷ giá USD/VND chạm mức 24.390 đồng ngày 25/9/2023, tăng 1,3% so với cuối tháng 8 và 3,2% so với đầu năm.
Nhóm phân tích của VNDirect nhận định, áp lực tỷ giá tiếp tục gia tăng trong tăng đến từ động thái nâng trần nợ công, Chính phủ Mỹ đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thiếu hụt ngân sách, đẩy lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ lên mức cao nhất kể từ đầu năm 2023.
Cùng với đó, tình trạng đầu cơ tỷ giá gia tăng để hưởng chênh lệch lãi suất giữa VND và USD, cũng như lạm phát trong nước có xu hướng tăng từ cuối quý III/2023. Những điều này khiến áp lực tỷ giá gia tăng trong thời gian qua và Ngân hàng Nhà nước phải có những động thái can thiệp khi phát hành tín phiếu để hút bớt thanh khoản quá dư thừa ra khỏi hệ thống ngân hàng.
Nhóm phân tích này phân tích thêm, động thái trên của Ngân hàng Nhà nước không nhằm thắt chặt hay đảo ngược chính sách nới lỏng hiện tại, mà chỉ là giải pháp tình thế, tạm thời trong ngắn hạn. Điều này nhằm hút bớt thanh khoản quá dư thừa trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng yếu, góp phần hạn chế đầu cơ tỷ giá và giữ vững ổn định vĩ mô trong nước.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tính toán lượng hút ròng hợp lý để vừa hạn chế đầu cơ tỷ giá, vừa duy trì thanh khoản tốt đối với hệ thống ngân hàng để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, lượng hút ròng sẽ được trả lại thị trường sau đó khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt.
Tuần qua, tỷ giá trung tâm giữa đồng Việt Nam (VND) và đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 15 đồng. Trong ngày giao dịch cuối tuần 7/10, tỷ giá trung tâm giữa VND và USD được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.074 VND/USD. Với biên độ +/- 5% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng áp dụng là 25.278 VND/USD và tỷ giá sàn là 22.870 VND/USD.
Cùng lúc, giá đồng USD được Vietcombank niêm yết ở mức 24.215 - 24.585 VND/USD (mua vào - bán ra). Tuần qua, giá đồng USD tại ngân hàng tăng 125 đồng ở chiều mua vào và bán ra.
Tại BIDV, giá đồng bạc xanh được niêm yết ở mức 24.250 - 24.550 VND/USD (mua vào - bán ra). Cả tuần, đồng bạc xanh tăng 80 đồng ở chiều mua vào và bán ra.
Cũng thời điểm đó, trên thị trường thế giới, đồng USD ghi nhận thời điểm chạm mức cao mới của 11 năm trong phiên 3/10, sau khi số liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ đã thúc đẩy quan điểm rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ lãi suất cao trong một thời gian dài. Chỉ số đồng USD đã có lúc tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 là 107,19 trước khi giảm nhẹ xuống 107,18.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 25 - 29/9, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 1.291.758 tỷ đồng, bình quân 258.352 tỷ đồng/ngày, tăng 35.403 tỷ đồng/ngày so với tuần trước. Doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 335.992 tỷ đồng, bình quân 67.198 tỷ đồng/ngày, tăng 7.612 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.
Theo kỳ hạn, các giao dịch VND chủ yếu tập trung vào kỳ hạn qua đêm (85% tổng doanh số giao dịch VND) và kỳ hạn 1 tuần (7% tổng doanh số giao dịch VND). Đối với giao dịch USD, các kỳ hạn có doanh số lớn nhất là kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tỷ trọng lần lượt là 77% và 17%.