Thời sự

Xuất khẩu sẽ chịu nhiều áp lực hơn vào nửa cuối năm 2022

6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 186,03 tỷ USD (tăng 17,3% so với cùng kỳ). Số liệu từ Tổng cục Hải quan cũng cho thấy hầu hết các mặt hàng xuất khẩu truyền thống đến các đối tác thương mại lớn đều ghi nhận tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm 2021.

Theo các chuyên gia của CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 đến từ các FTA được ký kết đang dần có hiệu lực.

Ngoài ra các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang dần nắm bắt được các lợi thế cạnh tranh khi được hưởng lợi từ các mức thuế quan ưu đãi. Đồng thời, sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất khi Việt Nam bình thường hóa nền kinh tế cũng là tin tốt với triển vọng xuất khẩu.

Tuy nhiên. KBSV đánh giá kim ngạch xuất khẩu Việt Nam 6 tháng cuối năm sẽ chịu nhiều áp lực hơn.

Các chuyên gia tại đây cho hay xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI chậm lại, do nhu cầu tại các thị trường lớn giảm sút.

Cụ thể, 43% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam tương ứng 82,5 tỷ USD đến từ máy móc thiết bị, linh kiện điện tử đóng góp chủ yếu đến từ khối doanh nghiệp FDI.

Trong khi đó tổng công ty lớn như Samsung (chiếm 50% tỷ trọng đóng góp giá trị xuất khẩu hàng điện từ của khối này) lại đang thu hẹp sản xuất, cắt giảm số ngày làm việc của công nhân từ 5 ngày/tuần xuống 3 ngày/tuần và khuyến khích các kỳ nghỉ cho công nhân tại nhà máy Việt Nam.

 

 

Một lo ngại nữa đó là đà tăng giá của mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông lâm thủy sản, gạo, thép,… có thể sẽ chững lại hoặc đảo chiều trong thời gian tới khi nguồn cung dồi dào.

Bên cạnh đó, theo KBSV, việc đồng VND tăng giá so với các đồng tiền của đối tác thương mại (do neo theo USD), khiến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam giảm tính cạnh tranh.

Xuất khẩu dự báo tăng trưởng trong khoảng 13-18%

Đồng quan điểm, khối phân tích của CTCP Chứng khoán VNDirect cũng nhận định tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể hạ nhiệt do nhu cầu của thế giới chậm lại và đứt gãy chuỗi cung ứng.

"Sự thắt chặt của điều kiện tài chính toàn cầu cộng với đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn trong nửa cuối năm 2022", các chuyên gia tại đây cho biết.

Hầu hết các tổ chức nghiên cứu đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 0,5-0,9 điểm% cho năm 2022 do hậu quả kinh tế của cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine và các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt.

Căng thẳng Nga-Ukraine kéo dài hơn dự kiến, giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại Trung Quốc gây thêm lo ngại về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng và làm tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

"Điều đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, như trường hợp của Samsung, đã phải điều chỉnh kế hoạch sản lượng trong năm nay. Do đó, chúng tôi dự báo tăng trưởng xuất khẩu sẽ chậm lại trong nửa cuối năm 2022 và đạt 14% cho cả năm 2022", VNDirect dự báo.

Trước đó năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020. 

Trong báo cáo mới nhất, CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đề cập đến khả năng suy thoái của Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới.

BSC dự báo hai kịch bản xuất khẩu của Việt Nam năm nay. Ở kịch bản tiêu cực, nếu kinh tế Mỹ suy thoái vào năm 2022, xuất khẩu của nước ta có thể tăng 13,1% và nhập khẩu tăng 12,6%. Trong trường hợp năm 2023 kinh tế Mỹ mới rơi vào suy thoái, xuất khẩu có thể tăng 18% và nhập khẩu có thể tăng 17,3%.  

 

Mới đây, các chuyên gia của Chứng khoán ACB (ACBS) cũng chỉ ra một số thách thức đối với hoạt động thương mại của Việt Nam trong nửa cuối năm. Đáng chú ý, ACBS nêu lo ngại khi Mỹ chiếm 50,5% lượng hàng may mặc xuất khẩu từ Việt Nam, lạm phát gia tăng có thể khiến nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thời trang quần áo của Mỹ giảm và cũng có thể ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của nước ta.

 Nguồn: ACBS.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm