Xuất khẩu thuỷ sản liên tục lao dốc
Sau một năm 2022 bùng nổ với con số xuất khẩu kỷ lục gần 11 tỷ USD, những tín hiệu về tác động tiêu cực của suy thoái toàn cầu đối với ngành thuỷ sản đã bắt đầu thể hiện rõ hơn từ tháng 1/2023.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) tiếp đà giảm sâu theo xu hướng quý IV/2022 cùng với trùng vào dịp Tết Nguyên đán, xuất khẩu thủy sản trong tháng 1/2023 chỉ đạt 600 triệu USD, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2022. Đồng thời đây cũng là tháng có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất kể từ tháng 2/2022.
Trong đó, xuất khẩu cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%. Riêng mực, bạch tuộc vẫn giữ được tăng trưởng dương 4% và các loài cá biển khác tăng 6%.
Xuất khẩu sang các thị trường chính trong tháng đầu năm 2023 cũng giảm mạnh, trong đó Mỹ giảm 56%, Trung Quốc – Hong Kong giảm 55%, EU giảm 35%...
Sự giảm sút trong tốc độ tiêu thụ thuỷ sản bắt đầu từ giữa quý III đến hết quý IV năm ngoái bởi hàng tồn kho từ các thị trường tiêu thụ lớn còn nhiều sau giai đoạn bùng nổ hậu COVID-19. Điều này được phản ánh trong kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp trong ngành.
Trong năm 2022, sản lượng chế biến CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) giảm. Bên cạnh đó, do lạm phát ngấm sâu khiến nhu cầu và đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh kéo kết quả kinh doanh quý cuối năm của Sao Ta giảm sút so với cùng kỳ.
Theo đó lũy kế sản xuất tôm thành phẩm cả năm giảm 10% so với năm trước (22.790 tấn), tương ứng khoảng 20.511 tấn. Tiêu thụ tôm thành phẩm chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước lên 18.553 tấn.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Sao Ta cho biết: “Sao Ta đã kết thúc hoạt động năm 2022 với những bước đi “chậm rãi” ở quý IV do thị trường tiêu thụ trầm lắng và do năm nay vụ nuôi tôm mùa nghịch bị dịch bệnh tấn công nên sản lượng tôm thương phẩm sụt giảm đáng kể. Nhìn lại chặng đường, những nét chính có thể nêu ra là sản lượng chế biến chỉ bằng 90% so năm trước”.
Trong quý IV, doanh thu của công ty giảm 16% so với cùng kỳ năm 2021 xuống 1.211 tỷ đồng và lãi sau thuế giảm 26% xuống 81 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, doanh thu thuần của Sao Ta gần 5.702 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 328 tỷ, lần lượt tăng 10% và tăng 14% so với năm 2021. So với kế hoạch doanh thu năm là 5.290 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, Sao Ta đã vượt 8% chỉ tiêu doanh thu và vượt 3% mục tiêu lợi nhuận.
“Bước qua năm 2023, khi các thị trường lớn hết sức yên ắng, nhất là bão tuyết cuối năm 2022 ở Mỹ ít nhiều làm giảm sức tiêu thụ, khiến tồn kho chưa giải phóng kịp thời. Sao Ta vẫn có đơn hàng để chế biến hàng ngày, tuy không nhiều nhưng so hoàn cảnh chung vẫn là điểm sáng”, ông Lực nói.
Với Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Mã: MPC), công ty hiện vẫn chưa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 mà mới chỉ có báo riêng công ty mẹ do việc tổng hợp số liệu các công ty con chưa hoàn tất.
Trong quý IV/2022, công ty mẹ ghi nhận doanh doanh thu thuần đạt 1.667 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2021. Hàng tồn kho tính đến 31/12/2022 ở mức 2.162 tỷ đồng, cao gấp đôi so với đầu năm, chủ yếu là thành phẩm, hàng hoá.
Tuy nhiên, nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh do được nhận cổ tức từ các công ty thành viên. Bên cạnh đó, công ty kiểm soát tốt dòng tiền và các yếu tố chi phí góp phần làm tăng lợi nhuận sau thuế 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước đó.
Trong bối cảnh khó khăn của thị trường tiêu thụ, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức như biến động tiền tệ, đặc biệt là những khoản nợ phải trả bằng USD và áp lực cạnh tranh gay gắt từ các nhà cung cấp đối thủ - đặc biệt là các nhà xuất khẩu tôm. Với những sản phẩm thay thế có mức giá hợp lý hơn, người tiêu dùng sẽ giảm chi tiêu trước áp lực lạm phát, và xuất khẩu cá tra duy trì đà tăng trưởng tốt hơn xuất khẩu tôm.
Ông Lê Bảo Toàn, Giám đốc Tài chính CTCP Thuỷ sản Minh phú - Hậu Giang cho biết trong vài tháng cuối năm 2022, lượng hàng xuất khẩu đi Châu Âu, thị trường Mỹ giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2021. Lượng hàng nguyên liệu cũng thiếu hụt.
Lãi suất năm nay cũng tăng nhiều so với năm 2021. Nếu như tháng 10/2021, lãi suất tiền vay đồng USD có thể 1,6%/năm thì năm 2022 đã lên tới 4%/năm. Điều này khiến chi phí tài chính tăng cao hơn so với năm ngoái.
Chi phí tài chính của công ty mẹ Minh Phú trong quý IV tăng gấp 10 lần lên 224 tỷ đồng. Trong đó, chi phí lãi vay tăng gấp đôi lên gần 14 tỷ đồng. Công ty ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá là 51 tỷ đồng. Phần còn lại chủ yếu là dự phòng tổn thất đầu tư vào các công ty con.
Còn với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, hoạt động kinh doanh cũng suy giảm trong giai đoạn cuối năm 2022. Theo đó, doanh thu xuất khẩu trong tháng 12/2022 giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 661 tỷ đồng, đánh dấu tháng giảm thứ 3 liên tiếp. Trong đó, mảng cá tra sụt giảm tới 44% còn 297 tỷ, là tháng thứ hai liên tiếp ghi nhận doanh thu tăng trưởng âm.
Một số công ty khác mặc dù có doanh thu tăng trưởng trong quý IV/2022 nhưng lợi nhuận sau thuế giảm sâu.
Báo cáo tài chính quý IV/2022 của CTCP Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I (Mã: IDI) cho thấy doanh thu thuần đạt 1.709 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm 3 điểm phần trăm xuống 8,4% do giá vốn tăng 26% lên 1.565 tỷ đồng. Doanh thu tài chính của của I.D.I đạt hơn 45 tỷ đồng (tăng 45% so với cùng kỳ) tuy nhiên, chi phí tài chính lại hơn 103 tỷ đồng (tăng gấp đôi so với cùng kỳ). Trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của IDI giảm 70% xuống 25 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vớiCTCP Nam Việt, công ty ghi nhận doanh thuthuần hơn 1.144 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp này cho biết so với cùng kỳ năm trước, sản lượng bán cá tra đông lạnh giảm nhưng sản lượng bán chả cá và giá bán chả cá tăng nên lợi nhuận gộp đã tăng 15%, lên mức 235 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp đạt 20,5%, tăng 1,2 điểm % so với quý IV/2021.
Ngoài ra, chi phí bán hàng và quản lý của doanh nghiệp được tiết giảm lần lượt 19% và 25% xuống 70 tỷ đồng và 18 tỷ đồng. Kết quả, quý IV/2022, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận ròng 107 tỷ đồng, tăng 96% so với quý IV/2021.
Luỹ kế năm 2022, Thuỷ sản Nam Việt có doanh thu 4.897 tỷ đồng và lãi ròng 674 tỷ đồng, lần lượt tăng 40% và gấp 5,2 lần so với năm 2021.
Khó hồi phục trong ngắn hạn
VASEP cho rằng bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể bừng sáng trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, đối với các thị trường tiêu thụ, thủy sản vẫn là mặt hàng thực phẩm thiết yếu và nhu cầu sẽ không thể sụt giảm quá mạnh. Sẽ có điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm.
Theo đó lợi thế sẽ nghiêng nhiều hơn về các ngành hàng có giá vừa phải vì phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình – vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát.
Ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký VASEP cho rằng “Ngành tôm năm 2023 sẽ khó khăn hơn ngành cá tra rất nhiều. Cá tra giá rẻ hơn, phù hợp với người tiêu dùng trong bối cảnh lạm phát tăng cao. Còn tôm giá lại đắt hơn. Bây giờ người dân Mỹ không ăn ở nhà hàng nữa, thắt chặt chi tiêu thì làm sao mà bán được”.
Theo các chuyên gia kinh tế, năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro, bao gồm nguy cơ leo thang căng thẳng ở Ukraine và sự xuất hiện của một cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương có thể tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung thủy sản ở các thị trường lớn. Bối cảnh đó cũng có thể coi là cơ hội cho thủy sản Việt Nam tăng cung cấp sang các thị trường Mỹ, Trung Quốc, EU…
Trung Quốc mở cửa: Cơ hội cho sự phục hồi cho cá tra
Việc Trung Quốc mở cửa mang lại hy vọng lớn về sự hồi phục nhu cầu không chỉ ở thị trường này mà cả các thị trường khác trên thế giới, khi mà du lịch và giao thương được thông suốt.
Bên cạnh đó, theo trang Seafood Sources, hành vi người tiêu đối với mặt hàng thuỷ sản nói riêng cũng có sự thay đổi. Theo đó, họ có xu hướng sử dụng mặt hàng giá rẻ. Do đó, cá tra Việt Nam được kỳ vọng sẽ hướng lợi từ xu thế này.
VASEP cho rằng sự hồi phục mà thị trường này mang lại cũng sẽ có kết quả rõ ràng ít nhất là từ quý II/2023.
Trong 2 năm gần đây, tỷ trọng xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã có sự sụt giảm đáng kể khi chỉ chiếm lần lượt 26% và 27% trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022 do chính sách Zero COVID của nước này.
Trong báo cáo mới đây của Công ty Cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco), công ty kỳ vọng Trung Quốc mở cửa có thể khiến cho lượng tiêu thụ cá tra của nước này tăng lên đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung cá thịt trắng khác như cá Minh Thái từ Nga đang sụt giảm.
Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn ở thị trường Mỹ và EU trong nửa đầu năm 2023 bởi tình trạng lạm phát và suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Vậy nên phần tăng trưởng kỳ vọng từ thị trường Trung Quốc sẽ chỉ có thể bù đắp được phần nào cho sự sụt giảm đến từ các thị trường khác.
Ngoài ra, giá cá tra cũng là yếu tố cần quan sát. Giá xuất khẩu cá tra sang các thị trường đang sụt giảm từ khoảng giữa năm 2022 cho tới nay, giảm xuống còn trung bình 2,5 USD/kg trong tháng 11, giảm khoảng 20% so với mức đỉnh vào giữa năm.
Giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng 11/2022 cũng tiếp tục giảm thêm 1.500 đồng/kg so với tháng trước đó xuống mức 28.000-28.500 đồng/kg, giảm so với mức đỉnh 33.000 đồng/kg vào tháng 3, tháng 4 năm nay.
Agriseco cho rằng IDI, Nam Việt và Vĩnh Hoàn là những doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi khi Trung Quốc mở cửa. Cơ cấu doanh thu từ thị trường Trung Quốc của các doanh nghiệp này lần lượt 40-50%; 20-30% và 10-15%.
VASEP cho biết đầu năm 2023, nhiều doanh nghiệp cá tra thông tin về sự hồi phục đơn hàng từ các thị trường.
Trong ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, công nhân của Công ty TNHH Hùng Cá đang chuẩn bị cho đơn hàng xuất khẩu 21 container cá tra phi lê. Tương tự tại Vĩnh Hoàn, gần 10.000 công nhân, người lao động cũng trở lại nhà máy để chuẩn bị cho những đơn hàng mới.
VASEP phân tích việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn đã khai thông cho nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có cá tra.
Với kim ngạch 712 triệu USD trong năm 2022, cá tra là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 40% xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc. Hiện, người Trung Quốc đang có xu hướng ưa chuộng cá tra hơn cá rô phi, xuất nhập khẩu thủy sản cũng dễ dàng hơn, chi phí vận chuyển hàng hóa cũng đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại.
“Việc Trung Quốc dỡ bỏ hạn chế đối với COVID chưa thể mang lại sự hồi phục mạnh cho đơn hàng thủy sản ngay trong tháng đầu năm, bởi người dân vẫn còn quan ngại dịch bệnh, phân khúc nhà hàng chưa mở cửa hoàn toàn. Nhưng sau một vài tháng thị trường này sẽ thích ứng và bùng phát mạnh nhu cầu trong các phân khúc tiêu thụ”, VASEP nhận định.