Thời sự

Xuất khẩu của TP HCM giảm mạnh nhất 10 năm, vốn huy động và tín dụng tiếp tục đi xuống

Trong báo cáo kinh tế xã hội của TP HCM tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2023 vừa công bố,  Cục Thống kê TP HCM đánh giá kinh tế của thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi hoạt động xuất nhập khẩu giảm, ảnh hưởng đến thu ngân sách; tình trạng thiếu đơn hàng vẫn diễn ra từ cuối năm 2022 khiến doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. 

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 5 tháng đầu năm của thành phố tăng 1,6% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng gần như thấp nhất từ năm 2012, chỉ cao hơn 5 tháng 2020 khi chịu ảnh hưởng của COVID-19.

 

Một chỉ số quan trọng khác của thành phố là thu ngân sách cũng có dấu hiệu giảm. Theo cơ quan thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP HCM ước tính 5 tháng đầu năm 2023 đạt  201.786 tỷ đồng, giảm 4,5% so với cùng kỳ do thu nội địa giảm 3,4%, thu từ dầu thô giảm 9,3% và thu từ xuất nhập khẩu giảm 6,2%.

Xét về tốc độ tăng thu ngân sách của TP HCM 5 tháng đầu năm giai đoạn 2012-2023, thu ngân sách 5 tháng 2023 ghi nhận mức giảm hơn 4,4%, chỉ cao hơn mức giảm gần 14% hồi năm 2020.

 

 Về xuất khẩu, theo báo cáo 4 tháng đầu năm từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu của thành phố đạt 12,74 tỷ USD, trong khi 4 tháng 2022 đạt 16,15 tỷ USD.

Trong 10 năm từ 2014 đến nay, đây cũng là lần đầu xuất khẩu của thành phố sụt giảm mạnh đến hơn 21%. Trước đó có hai lần TP HCM ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng âm, vào 4 tháng năm 2015 và 4 tháng 2016.

 

Về hoạt động vốn và tín dụng, Cục Thống kê TP HCM cho biết tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố ước tính đến 31/5/2023 đạt 3.262 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 0,8% so với cùng kỳ.

Tổng dư nợ tín dụng ước tính đến 31/5/2023 đạt 3.305 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 7,2% so với cùng kỳ. Mức này cũng là mức tăng thấp nhất trong 1 năm kể từ tháng 5/2022.

 

 

Về điểm tích cực, tại phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết tăng trưởng GDP quý II của TP HCM đạt 5,87%, trong khi đó quý I chỉ đạt 0,7%. Như vậy, nếu tính cả 6 tháng đầu năm 2023, TP HCM tăng trưởng 3,55%.

Trong quý II, tăng trưởng khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 4,77%. Tính chung 6 tháng đầu năm, khu vực này tăng 0,8% (quý I tăng trưởng âm). Riêng khu vực dịch vụ trong quý II tăng 7,16%, tính cả 6 tháng tăng 4,96%.

Trong tuần này, Quốc hội bắt đầu thảo luận dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM và xem xét thông qua vào cuối kỳ họp. 

Dự thảo có một số điểm mới đáng chú ý như thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); đề xuất cơ chế chính sách tăng vốn điều lệ cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) giúp thành phố tập trung được nguồn lực đầu tư các công trình, dự án trọng điểm hoặc hỗ trợ vốn cho việc xây dựng trường học, bệnh viện.  

Ngoài ra, dự thảo cho phép TP HCM đầu tư theo hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa, thể thao; được áp dụng hợp đồng BOT ở các dự án nâng cấp, mở rộng đường bộ hiện hữu; thực hiện dự án theo hợp đồng BT.   

Một điểm đặc biệt khác nữa là đề xuất đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền tối đa cho thành phố để chủ động giải quyết nhanh những đòi hỏi của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển. 

Theo Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi, các cơ chế, chính sách mới sẽ giúp thành phố tháo gỡ những khó khăn, từ đó giúp thành phố phát triển đúng với vai trò "đầu tàu" để đóng góp vào sự phát triển chung, đại diện cho Việt Nam trong việc hội nhập và cạnh tranh quốc tế. 

Ông cũng nhấn mạnh nếu làm tốt, TP HCM sẽ huy động hàng trăm tỷ đồng trong 5 năm tới cho đầu tư phát triển.  

Cùng chuyên mục

Đọc thêm