Xuân vận có nghĩa là du lịch mùa xuân nhưng có nhiều ý nghĩa, tờ China Daily cho biết.
"Đối với những người đi làm ăn xa, đó là niềm hạnh phúc khi đoàn tụ với người thân và nỗi cay đắng khi tranh giành vé tàu. Đối với nhân viên đường sắt, nó tượng trưng cho 40 ngày làm việc gian khổ. Đối với những người buôn bán nó có nghĩa một mùa kinh doanh bận rộn. Đối với cảnh sát, nó là một cuộc chiến chống trộm cắp và hành lý chứa vật liệu dễ cháy. Đối với chính phủ, đó là một bài kiểm tra năng lực hành chính" - bài báo của China Daily viết.
Năm nay sẽ là đợt Xuân vận lớn đầu tiên tại Trung Quốc sau 3 năm đối phó với dịch COVID-19, với hơn 2 tỉ lượt đi lại, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Tuy nhiên, nó cũng diễn ra vào thời điểm đáng lo ngại khi dịch bùng phát tại nhiều nơi của nước này.
Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đã kêu gọi khách du lịch giảm các chuyến đi và các cuộc tụ tập, đặc biệt nếu có người già, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ và những người có bệnh nền.
Chính quyền cũng khuyến khích người sử dụng phương tiện giao thông công cộng đeo khẩu trang và đặc biệt chú ý đến sức khỏe cũng như vệ sinh cá nhân. Theo Hãng tin AP, một số chính quyền địa phương đã kêu gọi người lao động nhập cư không trở về nhà.
Xuân vận ra nước ngoài
Ngày 11-1, Nhật Bản cho biết đã phản đối chính thức việc phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại Nhật Bản ngừng cấp thị thực để "trả đũa" việc Nhật siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch đối với công dân Trung Quốc. Các biện pháp của Nhật Bản bao gồm yêu cầu kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ.
Tương tự, phái đoàn Trung Quốc tại Hàn Quốc cũng ngừng cấp thị thực ngắn hạn cho công dân Hàn Quốc. Tân Hoa Xã dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 10-1 lên tiếng phản đối việc phân biệt đối xử với công dân của nước ngày và tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả.
Trong khi đó, trong thông báo ngày 10-1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo các nước nên cân nhắc việc kêu gọi đeo khẩu trang trên các chuyến bay dài trước nguy cơ các biến thể mới đang lây lan nhanh.
Hãng tin Reuters dẫn lời bà Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của WHO ở châu Âu, nhận định các quốc gia cần xem xét cơ sở dựa trên bằng chứng cho việc xét nghiệm trước khi khởi hành và nếu cân nhắc hành động cần đảm bảo "các biện pháp đi lại nên được thực hiện theo cách không phân biệt đối xử".