Thị trường tài chính đã chính thức bước vào giai đoạn phục hồi cùng nhiều thông tin vĩ mô tích cực đến từ toàn cầu và nội tại trong nước. Tuy nhiên giai đoạn phục hồi này được dự báo sẽ kéo dài hơn xen lẫn với các nhịp điều chỉnh và các cơ hội cũng trở nên khó khăn hơn.
Chia sẻ trong Talkshow "Phố Tài chính", ông Lê Đức Khánh Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán VPS cho biết nhìn vào góc độ toàn cảnh trên thế giới, đà tăng trưởng GDP cũng gặp rất nhiều khó khăn trong năm nay. Tuy nhiên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay khá khả quan và rất triển vọng.
Trong giai đoạn vừa qua thị trường đã tạo đáy vào tháng 7 và đang hồi phục trở lại, dòng tiền bắt đầu tự tin hơn, giải ngân hay tham gia vào các nhóm cổ phiếu cũng đã có sự khởi sắc. Do vậy, thị trường đang trong một xu thế tăng và hồi phục trở lại, đi gần đến khu vực 1.300, xa hơn có thể tiến tới vùng 1.350 và gần sát khu vực 1.400 trong khoảng thời gian từ bây giờ cho đến cuối năm 2022.
Trong 2 năm vừa rồi gần như nhà đầu tư cứ mua vào là thắng cho đến đợt biến động vừa rồi các nhà đầu tư mới chứng kiến đợt thua lỗ lớn. Trước xu thế hồi phục tích cực này, nhà đầu tư sẽ có nhiều trường phái đầu tư khác nhau.
Ông Khánh dẫn chứng vào giai đoạn tháng 5, tháng 6, thị trường điều chỉnh, giao dịch ngắn hạn sẽ ngại mua vào vì các nhà đầu tư sợ thị trường có thể giảm thêm. Nhưng mặt khác với những quan điểm của nhà đầu tư giá trị, họ lại thấy đây là một mức giá hấp dẫn và mua vào kể cả thị trường đang diễn biến xấu.
Đến giai đoạn hiện nay những nhà đầu tư giao dịch ngắn hạn thấy thị trường tăng rồi mới mua nhưng nhà đầu tư giá trị thì có thể họ đã mua từ trước đó rồi. Do vậy, ông Khánh vẫn cho rằng nên đầu tư với tầm nhìn dài hơi hơn, nhìn về giá trị của cổ phiếu và quản lý tiền cũng danh mục đầu tư một cách thận trọng an toàn và hợp lý. Đó phương án phù hợp hơn cho các nhà đầu tư cá nhân.
Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Triệu Vinh, Phó Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), chính phủ Việt Nam đang làm rất tốt các chính sách vĩ mô để kiểm soát lạm phát, bên cạnh đó giá dầu cũng như một số loại hàng hóa khác trên thế giới cũng đã hạ nhiệt trong khoảng thời gian vừa qua và đem lại những dấu hiệu tích cực cho vĩ mô.
Thứ hai về định giá thị trường, hiện nay chỉ số P/E của VN-Index đang là khoảng 12,3 lần. Tuy nhiên chúng ta cần phải lưu ý rằng có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, cụ thể nhóm ngành ngân hàng có chỉ số P/E rất thấp chỉ khoảng 7 – 8 lần, kỳ vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm đạt mức 17% và kỳ vọng cho năm 2022 là 20%, năm 2023 là 19%.
Với một mức tăng trưởng lợi nhuận như vậy chỉ số P/E của thị trường vào năm 2023 là sẽ thấp hơn vào khoảng 10,2 lần. Những yếu tố như vậy là rất thuận lợi cho thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay, nhưng chúng ta cũng cần lưu ý trên thế giới vẫn có rất nhiều thách thức liên quan đến vĩ mô trong ngắn hạn. Nhưng nếu xét về dài hạn ở Việt Nam, nền kinh tế của chúng ta vẫn đang có tiềm năng tăng trưởng, nhiều cơ hội đầu tư.
"Ở thị trường chứng khoán Việt Nam, các nhà đầu tư cá nhân chiếm đến hơn 80% tổng giá trị giao dịch. Theo quan điểm của tôi đầu tư ngắn hạn hay dài hạn đều được, miễn là nhà đầu tư phải giỏi ở phương pháp áp dụng", ông Vinh nhận định.
Chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần lưu tâm 2 vấn đề quan trọng sau, thứ nhất phải biết rõ công ty mình đầu tư vào có tốt hay không và cũng như giá trị của công ty đó.
Thứ hai là tính kỷ luật, chỉ mua khi định giá hấp dẫn và rủi ro giảm giá trị thấp. Khi bán cổ phiếu cũng vậy, không để biến động trong ngắn hạn của thị trường chứng khoán ảnh hưởng tới quyết định của chúng ta. Bởi thông thường khi thị trường giảm nhà đầu tư sẽ rất bi quan và có thể sẽ bán những cổ phiếu tốt với mức giá rất thấp.