Trước đây, nếu phải một mình đến rạp chiếu phim hay các quán ăn, hẳn nhiều người sẽ rất ái ngại. Bởi lẽ tâm lý chung khi nhìn thấy ai đó đi một mình, thường nhiều người sẽ đưa ánh mắt phán xét và nghĩ họ phải thật "bế tắc" hay bất đắc dĩ mới vậy.
Tuy nhiên điều này đang trở thành hết sức bình thường đối với giới trẻ ngày nay. Không khó để bắt gặp những bạn trẻ đi chơi một mình thay vì hẹn hò hay tụ tập bạn bè. Hơn nữa, điều này hiện đang là xu hướng mà nhiều bạn trẻ lựa chọn cho cuộc sống của mình.
Thích chìm đắm trong không gian riêng, tận hưởng khoảnh khắc một mình
Bên cạnh những quán cafe, nơi mà nhiều bạn trẻ "một mình nhưng không cô đơn" ghé đến là triển lãm tranh. Theo đó, đây là nơi được nhiều người đánh giá có không gian yên tĩnh, dễ dàng chìm đắm vào các tác phẩm nghệ thuật để nghiền ngẫm, suy nghĩ mà không bận tâm đến thế giới xung quanh.
Hiếu Anh thường thích đi chơi một mình như đến triển lãm, dạo phố,...
Hiếu Anh - sinh viên năm 3 trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: "Không chỉ đi xem triển lãm, dường như đi đâu mình cũng thích đi một mình. Một phần do tính cách mình khá hướng nội. Ngoài ra, mình thích cảm giác tự bản thân cảm nhận một điều gì đó. Còn đi với bạn bè, đôi khi mình sẽ bị làm phiền bởi những câu chuyện của họ".
Cũng theo Hiếu Anh, đi chơi một mình sẽ là cảm giác "nửa buồn nửa vui" nhưng lại rất thú vị. Bên cạnh đó, ánh mắt hay sự phán xét của những người xung quanh đều không ảnh hưởng đến tâm trạng, cảm xúc của Hiếu Anh.
"Mình không nghĩ cứ phải thất tình hay gặp chuyện buồn mới muốn đi đâu đó một mình. Đây vừa là thói quen, vừa là sở thích của mình nên có những ngày vui vẻ mình cũng thích dạo phố tự thưởng cho bản thân. Nói chung là mình cảm thấy thoải mái khi tận hưởng khoảnh khắc một mình", Hiếu Anh nói thêm.
Còn đối với Bích Thủy cô bạn đang làm giáo viên dạy Văn, yêu thích nghệ thuật cho hay cô thường xuyên tìm đến các triển lãm để thưởng thức và chủ yếu đều đi một mình. "Thường mình đều tự một mình, thỉnh thoảng cuối tuần nếu bạn bè rảnh mình mới rủ họ đi cùng. Thực ra, mình thích cảm giác đối diện với chính bản thân mình. Mọi ngày đi làm, chúng ta đã phải kết nối với rất nhiều người do vậy mình muốn có một khoảng thời gian yên tĩnh, lắng lại và tận hưởng không gian riêng", Bích Thủy chia sẻ.
Bích Thủy muốn có khoảng thời gian riêng để tĩnh lặng
Đa số các bạn trẻ đều đồng tình, việc đi chơi một mình sẽ có những mặt hạn chế như không mở rộng thêm được mối quan hệ, dễ bị suy nghĩ quá nhiều, thiếu sự quyết đoán,... Tuy nhiên mặt khác, xu hướng này cũng có những cái hay riêng mà không thể tìm được với những mối quan hệ hẹn hò hay tụ tập bạn bè. Hơn nữa, những người trẻ đều cho rằng không thể lúc nào cũng có một người ở bên cạnh sẵn sàng đi cùng mình mọi nơi. Do đó, tập quen với cuộc sống một mình cũng là một điều thú vị.
"Mình từng đi triển lãm và còn từng cả đi vào rạp xem phim một mình. Mình cảm thấy bình thường lắm. Việc quyết định đi chơi một mình sẽ nhanh hơn là phải đắn đo suy nghĩ xem ai rảnh để đi cùng mình hoặc phải xếp lịch mới có thể đi đâu đó. Bạn bè mình cho dù là bạn rất thân, họ cũng có những việc bận riêng nên nếu cứ đợi để đi cùng nhau, chắc mình sẽ suốt ngày ở trong nhà mất.
Thế nên đôi khi đi một mình không phải là sự lựa chọn mà là tình thế buộc chúng ta phải vậy. Nhưng lâu dần thấy quen, mình còn thích đi chơi một mình hơn là đi cùng ai đó. Hơi khó để diễn tả nhưng khi bạn đi một mình, thích gì chơi đó, bao lâu cũng được, không phụ thuộc, không ảnh hưởng hay bị ràng buộc bởi cứ ai cả. Tự do luôn là cảm giác thú vị nhất khi đi một mình", Diễm Quỳnh (20 tuổi) bày tỏ.
Triển lãm tranh là địa điểm thu hút rất nhiều bạn trẻ mỗi dịp cuối tuần
Không ít bạn trẻ có xu hướng đi một mình để được tự do, thoải mái làm những gì mình thích
"Ngại" yêu: Không đúng nhưng cũng không hẳn sai
Khi được hỏi rằng, có phải xu hướng đi chơi một mình bắt nguồn từ cảm giác "ngại" yêu, "lười" mở rộng mối quan hệ, các bạn trẻ đều lưỡng lự, suy nghĩ khá lâu. Một phần thì cho rằng đó là nhận xét đúng bởi chỉ thích tập trung thời gian vào học tập, công việc và chỉ yêu bản thân. Phần còn lại thì nhận định, đôi khi không phải "ngại", mà là chưa đủ sẵn sàng.
Nguyễn Minh - sinh viên năm nhất Đại học Thăng Long chia sẻ: "Mình cũng thuộc tuýp người hướng nội, thích đi một mình hơn là đi một nhóm bạn đông. Bản thân mình cũng cảm thấy đang rơi vào trạng thái ngại hẹn hò, yêu đương. Tức là đôi khi, nhìn thấy mọi người có đôi có cặp, mình thấy cũng rất thích và ao ước. Nhưng rồi mình lại khá lười trong việc chủ động tìm một ai đó để làm quen, bắt đầu một mối quan hệ. Mình nhận thấy mình vẫn ưu tiên thời gian cho bản thân, học tập và làm việc nhiều hơn là tình cảm".
Nguyễn Minh
Quan điểm của Hiếu Anh cũng tương tự, anh chàng bày tỏ sự đồng tình khi được nhận xét là "ngại" yêu. "Đối với mình, chuyện tình yêu không đơn thuần chỉ có tình cảm giữa 2 người với nhau mà còn cần rất nhiều yếu tố khác như tài chính, thời gian,... Ở thời điểm hiện tại, mình cảm thấy bản thân ngại yêu vì chưa có sự vững vàng về mặt kinh tế. Mình muốn một mối quan hệ lâu dài hơn nên mình cần chuẩn bị mọi thứ thật chắc chắn", Hiếu Anh nói.
Còn đối với Bích Thủy, cô cho rằng không nên gọi là "ngại" yêu mà nói đúng hơn là có thể họ chưa tìm được sự phù hợp. Bích Thủy chia sẻ: "Điều này tùy thuộc vào quan điểm, suy nghĩ và lối sống của từng người nên mình không thể nói là đúng hay sai. Cá nhân mình, mình bắt đầu chuyện tình cảm từ khá sớm là bởi mình thấy bản thân đã sẵn sàng. Mình muốn san sẻ thời gian, trách nhiệm của mình với một người khác.
Tuy nhiên ngược lại, cũng có những bạn không thể làm được điều đó, vẫn đặt những thứ khác lên trên tình yêu thì chắc chắn họ sẽ không muốn bước vào một mối quan hệ. Mình không nghĩ là do mọi người lười hay ngại đâu mà chỉ là họ chưa tìm được sự phù hợp cũng như chưa đủ sẵn sàng thôi. Còn thực tế, việc một mình hay hẹn hò, có người yêu cũng không quá quan trọng. Miễn sao mọi người cảm thấy vui vẻ, thoải mái với sự lựa chọn của mình là được".