Phong cách sống

Xoay xở thế nào khi đủ khoản chi tốn kém ngày Tết?

Có những khoản chi tiêu đặc trưng trong ngày Tết. Chẳng hạn như khoản tiền lì xì, mua quà biếu gia đình hay ăn uống gặp gỡ bạn bè và người thân. Đối với nhiều người trẻ, khoản chi này khá lớn, đôi lúc là toàn bộ tiền thưởng Tết.

Chi tiêu cho tiệc cuối năm

Tâm Anh, 28 tuổi, nhân viên văn phòng vừa mới tham gia bữa tiệc cuối năm. Cô bạn định mua mới quần áo dự tiệc, song vì không tìm được mẫu ưng ý và phù hợp với dresscode (quy tắc phối hợp quần áo) của công ty nên đã đi thuê.

"So với những năm trước, mình đã chi nhiều hơn cho bữa tiệc cuối năm nay với công ty. Mọi năm, mình mua hoặc may mới, song giá tiền cũng ngang với năm nay vì mình thuê hàng thiết kế riêng. Song, mình thuê trang điểm, thuê cả túi xách nên chi phí cao hơn. Mình mua mới một số phụ kiện như lens mắt, khuyên tai. Tổng số tiền chi ra khoảng 1,6 triệu đồng", cô kể.

Xoay xở thế nào khi đủ khoản chi tốn kém ngày Tết? - Ảnh 1.

Tâm Anh - Ảnh: NVCC


Còn Quỳnh Nga (26 tuổi, nhân viên triển khai phần mềm) dự tính chi tầm 3-4 triệu để mua đồ mới cho tiệc cuối năm sẽ tổ chức sau Tết dương của công ty. Cô sẽ mua mới toàn bộ quần áo, giày dép, phụ kiện, làm tóc và móng tay cho bữa tiệc này. "Mình có thể kết hợp với những đồ đã mua trước rồi, song vẫn muốn mua mới để có sự mới mẻ và phù hợp hơn với dresscode của công ty. Mình muốn trở nên đẹp hơn trong bữa tiệc này nên không ngại chi tiền".

Xoay xở thế nào khi đủ khoản chi tốn kém ngày Tết? - Ảnh 2.

Quỳnh Nga - Ảnh: NVCC


Minh Trang (SN 1996) làm việc trong lĩnh vực truyền thông lại cho hay, vì cuộc thi văn nghệ sẽ trao giải nên hầu như ai cũng muốn đầu tư tiết mục hoành tráng nhất. “Chúng mình có được hỗ trợ nhưng mức của công ty đưa ra không đủ để vừa thuê biên đạo, vừa thuê trang phục, đạo cụ cho tiết mục. Do vậy, chúng mình phải hô hào đóng góp thêm. Phòng đông người nên chia ra cũng không quá đắt, chỉ vài trăm nghìn thôi”, Minh Trang nói.

Cô nàng cũng cho biết thêm, không rõ giải thưởng cho các tiết mục văn nghệ năm nay sẽ như thế nào nhưng mọi năm thường là tiền mặt. Số tiền đó thường sẽ dùng để bù thêm vào chi phí đầu tư văn nghệ hoặc nếu không sẽ để cả phòng đi liên hoan chung với nhau.

Mua quà Tết, chi tiền lì xì

Gia đình Huệ Nguyễn (27 tuổi, Hà Nội) vào mỗi dịp Tết sẽ biếu ông bà nội và ngoại, mỗi bên 5 triệu. Bên cạnh đó, do năm nay ăn Tết Nguyên đán ở quê ngoại nên cô sẽ đưa thêm ông bà 2 triệu tiền sắm sửa mua đồ ăn.

Còn gia đình Thanh Bình (26 tuổi) ở Hà Nội dự tính sẽ biếu bố mẹ 2 bên 15 triệu đồng và lì xì Tết tầm 5-6 triệu, chiếm 80% khoản chi Tết. Thanh Bình chia sẻ rằng khoản chi tiêu trong Tết tăng 50% so với các tháng thông thường. So với những năm trước, gia đình cô đã chi tiêu nhiều hơn trong dịp này. Song, chỉ có khoản mục tiền biếu bố mẹ là tăng, Thanh Bình quyết định giảm bớt mua quần áo mới, và bánh kẹo.

"Nếu trừ khoản tiền biếu bố mẹ, chi phí năm nay tương tự so với năm ngoái. Bởi vì gia đình mình năm nào cũng sắm giống nhau. Mình luôn lên kế hoạch trước, ít khi mua vượt ngân sách hay dự tính đưa ra, do vậy qua từng năm, khoản chi không mấy thay đổi".

Xoay xở thế nào khi đủ khoản chi tốn kém ngày Tết? - Ảnh 3.

Thanh Bình - Ảnh: NVCC


Chi tiêu ngày Tết thoải mái nhưng trong khuôn khổ

Về câu chuyện chi nhiều tiền mua sắm để mặc trong 1 bữa tiệc cuối năm, Tâm Anh cho rằng cùng chi 3-4 triệu cho trang phục dự tiệc cuối năm của công ty, có người sẽ cảm thấy đắt và lãng phí. Tuy nhiên, với những người có thu nhập tốt hơn chẳng hạn, họ sẽ cảm thấy đây là khoản tiền đáng để chi ra.

"Thu nhập của mình thuộc dạng trung bình, song mình cảm thấy hài lòng về khoản tiền đã bỏ ra cho đêm tiệc cuối năm. Ai cũng muốn mình xinh đẹp và thu hút trong mắt người khác. Mình thấy tự tin và vui vẻ hơn rất nhiều khi mình và đồng nghiệp đều toả sáng trong ngày hôm đó. Ngoài ra, vẻ ngoài được chăm chút cũng mang lại nhiều cơ hội trong công việc hơn".

Xoay xở thế nào khi đủ khoản chi tốn kém ngày Tết? - Ảnh 4.

Ảnh minh hoạ - Pinterest


Bên cạnh đó, quan điểm của Thanh Bình trong câu chuyện sắm sửa năm mới, đó là Tết có thể chi tiêu thoải mái chút bởi vì cả năm mới có 1 lần. Hơn thế nữa, cô cũng có thêm thưởng Tết, do vậy thoải mái hơn trong câu chuyện tài chính. Tuy nhiên, hãy thoải mái trong "khuôn khổ" vì giờ mọi sản phẩm hay dịch vụ đều tăng giá. Cô vẫn muốn tiết kiệm một khoản tiền để ra Tết gửi tiết kiệm, dùng tiền đó vào nhiều dự định khác trong năm mới sẽ tốt hơn.

"Mình nghĩ các gia đình hãy lên kế hoạch cụ thể từng khoản dự định chi cho Tết 1 cách chi tiết nhất, ưu tiên các khoản cần thiết như tiền để lì xì, biếu bố mẹ. Tết không phải dịp duy nhất để 'sắm sửa'. Do vậy, nếu Tết chưa kịp sắm, sau đó mình cũng có thể mua dần", chia sẻ của Thanh Bình trong câu chuyện chi tiêu ngày Tết.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm