Tài chính

Xét xử siêu lừa đảo chiếm đoạt hơn 370 tỉ đồng của 3 ngân hàng

Sáng nay 4-5, TAND Hà Nội đã mở phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi, trú ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" trong vụ án liên quan đến Ngân hàng Thương mại CP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng Thương mại CP Việt Á (VietABank) và Ngân hàng Thương mại CP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank).

Xét xử siêu lừa đảo chiếm đoạt hơn 370 tỉ đồng của 3 ngân hàng - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành (tóc ngắn) tại phiên toà

Liên quan đến vụ án, có 24 bị cáo khác lần lượt bị xét về các tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", "Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự" và "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng". Trong số này có 17 bị cáo nguyên là cán bộ ngân hàng nguyên là cán bộ thuộc các ngân hàng NCB, VietABank và PvcomBank.

Theo cáo trạng, khoảng năm 2016 - 2018, Nguyễn Thị Hà Thành đã nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của nhiều người, cứ vay của người sau trả cho người trước. Thời gian đầu Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cả cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn.

Qua các quan hệ xã hội, Thành tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm với số tiền lớn, sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các hợp đồng tín dụng vay các ngân hàng với số tiền lớn nên nhiều cán bộ NCB, VAB đều xem Thành là "khách hàng VIP". Sau đó, do bị mất khả năng thanh toán nên Thành nhiều lần thực hiện các hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền từ các ngân hàng NCB, PVcomBank, VAB và nhiều cá nhân.

Xét xử siêu lừa đảo chiếm đoạt hơn 370 tỉ đồng của 3 ngân hàng - Ảnh 2.

Toàn cảnh phiên toà

Cụ thể, đầu tháng 10-2018, ông Đ.N.T. có ý định đấu giá dự án khu đô thị Đông Hương (TP Thanh Hóa) nên nhờ Thành và Nguyễn Thanh Tùng Giám đốc Công ty Jeongho Landmark sử dụng Công ty MHD để lấy tư cách pháp nhân tham gia đấu giá nhưng không thành.

Biết ông Đ.N.T. có tiền, Thành đề nghị cho mình vay bằng hình thức gửi 52 tỉ đồng vào PVcomBank và đưa sổ tiết kiệm cho mình. Ông Đ.N.T. đã gửi số tiền này vào ngân hàng chia làm 3 sổ, 1 sổ giá trị 12 tỉ đồng mang tên ông và 2 sổ giá trị 40 tỉ đồng mang tên vợ ông, rồi đưa cả 3 sổ cho Thành giữ. Tiếp đó, Thành và Tùng làm giả hồ sơ mua bán thép giữa Công ty Jeongho và Công ty Hoàng Nguyên để vay PVcomBank hơn 49 tỉ đồng với tài sản thế chấp là 3 sổ tiết kiệm trên. Hai nhân viên ngân hàng là Bùi Văn Tuấn và Nguyễn Thu Trà đã đưa hồ sơ cho Thành đi lấy chữ ký của vợ chồng ông Đ.N.T. để làm hồ sơ thế chấp 3 sổ tiết kiệm.

Bị cáo Thành đã giả chữ ký và điểm chỉ vân tay của mình giả làm vân tay của vợ chồng ông Đ.N.T. rồi dùng hồ sơ giả này để vay tiền ngân hàng. Sau khi ngân hàng giải ngân hơn 49 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty Hoàng Nguyên, Thành đã rút toàn bộ số tiền này để chi tiêu cá nhân.

Cũng với thủ đoạn tương tự, tại Ngân hàng NCB, Thành vay của ông Đ.N.T. 50 tỉ đồng bằng cách yêu cầu ông gửi tiền vào ngân hàng rồi đưa sổ tiết kiệm cho mình giữ. Thành tiếp tục giả chữ ký của vợ chồng ông Đ.N.T. và được NCB giải ngân cho vay rồi chiếm đoạt 47,5 tỉ đồng.

Trước đó, đầu tháng 1-2022, TAND Hà Nội đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung để làm rõ thêm hành vi của một số bị cáo và các tình tiết khác liên quan. Trong đó, toà đề nghị làm rõ vợ chồng ông Đ.N.T. có đồng phạm với Nguyễn Thị Hà Thành hay không. Sau đó, Viện Kiểm sát bổ sung cho rằng không có căn cứ để kết luận ông Đ.N.T. đồng phạm lừa đảo cùng với Nguyễn Thị Hà Thành.

Cáo trạng nêu, với thủ đoạn trên, Thành đã gây ra 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt của VAB 273,9 tỉ đồng, của bốn cá nhân khác 63 tỉ đồng. Tổng thiệt hại của vụ án được xác định hơn 433 tỉ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm