Ông Lê Thanh Thản khai gì?
Sáng 10/8, Toà án nhân dân (TAND) TP Hà Nội xét xử sơ thẩm bị cáo Lê Thanh Thản (73 tuổi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bemes, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh) liên quan đến sai phạm ở dự án CT6 Kiến Hưng (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội). “Đại gia điếu cày” bị đưa ra xét xử về tội "Lừa dối khách hàng".
Trong vụ án này, 6 người bị truy tố tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" gồm: Nguyễn Duy Uyển (cựu Chủ tịch UBND phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội), Vương Đăng Quân (cựu Phó chánh Thanh tra Xây dựng quận Hà Đông) và các cán bộ Mai Quang Bài, Bùi Văn Bằng, Đỗ Văn Hưng, Nguyễn Văn Năm.
Theo thông báo từ thư ký phiên tòa, có 143 người dân trên tổng số 504 người mua nhà của ông Thản có mặt tại tòa với tư cách bị hại.
Bị cáo Lê Thanh Thản tại phiên toà
Là người được HĐXX xét hỏi đầu tiên, bị cáo Lê Thanh Thản khai, tiền thân của Công ty Bemes là doanh nghiệp xây dựng Bình Minh, được mua lại vào năm 2008.
Đến khoảng năm 2008-2009, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp, thương mại Bemes (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) và ông Thản là người chịu trách nhiệm chính.
Dự án bắt đầu triển khai từ năm 2010 và đến năm 2012 thì hoàn thiện. Về mặt quy hoạch thì khu tổ hợp Bemes có 3 toà nhà, theo đúng quy hoạch thì toà nhà 1 và toà nhà 3 là nhà ở, còn toà nhà 2 nằm ở giữa là khách sạn và văn phòng cho thuê.
Bị cáo Thản khai, khi đó công ty nghĩ xây dựng khách sạn, văn phòng ở giữa các căn hộ là không hợp lý nên đã xin chính quyền chuyển đổi toà nhà ở giữa thành căn hộ. Khi được sự đồng ý, Công ty Bemes bắt tay vào xây dựng ngay và không làm các thủ tục tiếp theo dẫn đến sai phạm bây giờ. Ở đây không phải sai quy hoạch mà sai công năng, còn kết cấu của toà nhà, diện tích không thay đổi.
Khi chủ toạ hỏi “thực tế mỗi toà nhà Công ty Bemes đã xây bao nhiêu tầng?”, bị cáo Thản nói “tôi không nhớ lắm”.
Theo lời khai của ông Thản, khi đào móng xây dựng các căn hộ, công ty bắt đầu ký hợp đồng chuyển nhượng đối với người mua. Khi xây dựng hoàn thiện, Công ty Bemes bàn giao nhà cho cư dân.
Quá trình ký hợp đồng chuyển nhượng, phía Công ty Bemes có khẳng định xây dựng đúng quy hoạch không? HĐXX đặt câu hỏi. Bị cáo Thản khai “công ty khẳng định làm đúng quy hoạch, đã làm các thủ tục nhưng chưa được phê duyệt”.
Bị cáo Thản mong muốn HĐXX, thành phố Hà Nội chấp thuận, cấp sổ đỏ cho cư dân. Đối với cáo buộc thu lời bất chính hơn 480 tỷ đồng từ việc bán các căn hộ sai phạm, bị cáo Lê Thanh Thản cho rằng chưa hợp lý.
Bị cáo lý giải quá trình xây dựng công trình sai phạm đã chi số tiền gần 200 tỷ như tiền mua đất, tiền thuê nhân công, vật liệu xây dựng... bị cáo đề nghị HĐXX xem xét việc này.
Tại phiên toà hôm nay, bị cáo Thản đưa ra phương án đề nghị TP.Hà Nội cho phép cư dân tiếp tục sử dụng các căn hộ và phía công ty sẽ làm các thủ tục tiếp theo. Hiện phía Công ty Bemes đã đưa ra 3 phương án đối với cư dân là nếu không được cấp sổ đỏ thì chuyển đổi đất căn hộ thành diện tích đất ở. Sau đó, căn hộ sai phạm chuyển thành khách sạn theo đúng quy hoạch ban đầu.
Vì sao trả hồ sơ vụ án?
Sau lời khai của ông Thản, chủ toạ hỏi một số bị hại. Chị Đinh Thị Nguyệt (cư dân sinh sống ở toà nhà CT6C, phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, khi chị mua căn hộ được chủ đầu tư khẳng định xây dựng theo đúng quy định và hứa hẹn sẽ cấp được sổ đỏ.
Theo chị Nguyệt, sau đó, chị được cơ quan quản lý nhà nước trả lời do toà nhà CT6C xây dựng sai phạm nên không được cấp sổ đỏ.
“Hành vi vi phạm của bị cáo gây khó khăn cho chúng tôi suốt 10 năm qua. Chúng tôi mua nhà nhưng không được đăng ký tạm trú, hộ khẩu, khai sinh cho con, không có cơ sở thế chấp để vay ngân hàng”, chị Nguyệt nói trước HĐXX.
Tại phiên toà hôm nay, chị Nguyệt đề nghị HĐXX xem xét giải quyết vụ án để đảm bảo quyền lợi cho người dân, không tách thành vụ án dân sự khác. Chị Nguyệt yêu cầu bị cáo bồi thường thiệt hại tài sản tính theo giá trị căn hộ thị trường bây giờ và công sức người dân đấu tranh suốt nhiều năm qua.
Với đề nghị trên của chị Nguyệt, chủ toạ giải thích căn hộ ở toà CTC6 xây dựng trái phép nên không thể định giá căn hộ theo giá thị trường bây giờ.
Đồng quan điểm với chị Nguyệt, anh Nguyễn Hữu Bình (cư dân ở toà CT6C) cũng yêu cầu bị báo phải bồi thường căn hộ theo giá thị trường.
Còn ông Vũ Văn Thông (người dân sinh sống ở toà nhà CT6C) cho hay, ông mua căn hộ này từ một người khác với giá là 1,3 tỷ đồng. Tại phiên toà, ông Thông đề nghị bị cáo bồi thường thiệt hại bằng khoản tiền ông đã bỏ ra mua căn hộ.
Khác với những ý kiến trên, chị Phạm Thu Phương (cư dân sinh sống ở toà nhà CT6C) yêu cầu bị cáo bồi thường giá trị căn hộ là 34 triệu đồng/m2.
Sau khi nghe ý kiến của một số bị hại trình bày tại phiên toà yêu cầu được đền bù theo giá trị căn hộ hiện tại, HĐXX hỏi bị cáo Thản có phương án nào giải quyết? Bị cáo Thản nói “Công ty chúng tôi sẽ thoả thuận, đàm phán với người dân để đưa ra phương án hợp lý cho cả 2 bên”.
Sau phần xét hỏi đối với bị cáo Lê Thanh Thản và một số bị hại, HĐXX hội ý và ra thông báo quyết định trả hồ sơ để điều tra.
“Do một số vấn đề chưa thể làm rõ được tại tòa, HĐXX quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ một số vấn đề. Đề nghị những người liên quan tiếp tục cung cấp chứng cứ cho cơ quan tố tụng để phục vụ quá trình điều tra bổ sung”, chủ toạ nói.