Ngày 29/7, CTCP Tập đoàn PC1 cho biết đã hoàn tất phát hành 900 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào 19/5/2027.
Trước đó vào cuối tháng 3, công ty này cũng đã huy động thành công 300 tỷ đồng trái phiếu với cùng kỳ hạn 5 năm, theo công bố thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Như vậy trong vòng 4 tháng, tập đoàn đã hút về 1.200 tỷ đồng trái phiếu.
Tập đoàn PC1 (tiền thân là CTCP Xây lắp điện 1) được thành lập năm 1963 và chính thức cổ phần hóa vào năm 2005. PC1 hiện nay hoạt động trong lĩnh vực xây lắp điện, bên cạnh đó là sản xuất công nghiệp, đầu tư năng lượng, đầu tư bất động sản, tư vấn và dịch vụ.
Trong mảng xây lắp điện, PC1 thực hiện các dự án đường dây 220 kV, 500 kV khắp các tỉnh Bắc, Trung, Nam. Trong lĩnh vực đầu tư năng lượng, PC1 đã vận hành thành công 7 nhà máy thủy điện có tổng công suất 170 MW, với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng.
Với điện gió, công ty có ba dự án là dự án điện gió Liên Lập, dự án điện gió Phong Huy, dự án điện gió Phong Nguyên cùng công suất 48 MW tại Quảng Trị. Tập đoàn đặt mục tiêu công suất phát điện đạt 744 MW vào năm 2025.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, PC1 giới thiệu tập đoàn là đơn vị duy nhất và có quy mô lớn nhất Việt Nam về thiết kế, chế tạo cột thép đơn thân 110 KV, 220 KV – 1, 2, 4 mạch và cột thép liên kết thanh đến 750kV, với dây truyền công nghệ tích hợp hệ thống điều khiển CNC tổng công suất trên 50.000 tấn sản phẩm/năm,...
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay, HĐQT Tập đoàn PC1 đã công bố Báo cáo chiến lược tập đoàn giai đoạn 5 năm tiếp theo là đạt doanh thu 1 tỷ USD, tăng trưởng 25%, với tầm nhìn khẳng định là tập đoàn vị thế số 1 Việt Nam và top 5 khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực tổng thầu EPC dự án xây dựng lưới điện và dự án đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Lãi ròng giảm 81% quý II
Về tình hình kinh doanh của công ty, quý II vừa qua, doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.518 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước. Công ty bị giảm mạnh doanh thu ở mảng xây dựng và thiết bị ngành điện từ 2.082 tỷ đồng xuống 646 tỷ đồng, hoạt động sản xuất công nghiệp cũng giảm từ 54% về 92 tỷ. Riêng lĩnh vực điện tăng 1,3 lần lên 465 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm 94% xuống 16 tỷ đồng do không có khoản lãi đánh giá lại khoản đầu tư khi tăng vốn từ công ty liên kết thành công ty con. Trong khi đó, chi phí tài chính gấp 2,8 lần lên 216 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay tăng 83% lên 142 tỷ đồng (ba dự án điện gió đi vào vận hành làm phát sinh tăng chi phí lãi vay) và lỗ chênh lệch tỷ giá khi đánh giá lại số dư cuối kỳ 72 tỷ đồng. Kết quả, tập đoàn báo lãi ròng quý II giảm 81% còn 63 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần 2.996 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 247 tỷ đồng, lần lượt giảm 34% và 41% so với cùng kỳ năm 2021. So với mục tiêu năm 2022 là doanh thu hơn 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 657 tỷ đồng; công ty đã thực hiện được 27% kế hoạch doanh thu và gần 38% chỉ tiêu lợi nhuận sau nửa năm.
Cuối quý II, tập đoàn có tổng tài sản 19.687 tỷ đồng, tăng thêm 1.000 tỷ so với đầu năm. Riêng khoản đầu tư góp vốn vào công ty liên kết và liên doanh tăng từ 426 tỷ đồng lên 1.547 tỷ đồng do đầu tư sở hữu gần 31% vốn CTCP Western Pacific (1.110 tỷ đồng).
Tổng nợ đi vay ở mức 10.669 tỷ đồng, đa số là vay dài hạn từ các ngân hàng. Dư nợ trái phiếu đến cuối kỳ là 957 tỷ đồng.