5 sản phẩm chủ lực
Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới được công bố, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) đạt doanh thu hơn 167.100 tỷ đồng trong năm 2022, tăng trưởng 65% so với một năm trước.
Giá vốn hàng bán tăng với tốc độ chậm hơn (62%) nên công ty báo lãi gộp cải thiện lên 15.890 tỷ đồng, gấp hai lần kết quả năm 2021.
Phân chia theo dòng sản phẩm, dầu diesel 0,05% lưu huỳnh (S) chiếm vị trí quan trọng nhất khi đóng góp xấp xỉ 40% tổng doanh thu của Lọc hóa dầu Bình Sơn. Biểu đồ bên dưới cho thấy xăng RON 95 và RON 92 lần lượt tạo ra 28,4% và 14,4% doanh thu của công ty trong năm vừa qua.
Các mặt hàng quan trọng khác của Lọc hóa dầu Bình sơn bao gồm nhiên liệu bay Jet A1, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), hạt nhựa polypropylene các loại I – T – F và offspec, lưu huỳnh, xăng E5, dầu mazut (FO), …
Doanh thu từ các dòng sản phẩm chủ lực đều tăng trưởng mạnh so với 2021 do nền kinh tế Việt Nam mở cửa trong năm 2022, nhu cầu nhiên liệu lên cao.
Cụ thể, dầu diesel 0,05% S mang về 66.717 tỷ đồng trong năm 2022, gần gấp đôi năm trước. Doanh thu từ xăng RON 95 và RON 92 đi lên tương ứng 42,2% và 62,2%.
Cá biệt, doanh thu bán nhiên liệu bay Jet A1 năm vừa qua cao gấp 3,6 lần năm 2021, đạt gần 10.900 tỷ đồng khi các hãng hàng không trở lại bầu trời sau giai đoạn phong tỏa chống dịch gắt gao.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, 6 hãng bay của nước ta gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vasco và Vietravel Airlines đã khai thác tổng cộng 285.568 chuyến bay trong 11 tháng đầu năm 2022, cao gấp 2,45 lần cùng kỳ năm trước. Nhu cầu và doanh số bán nhiên liệu bay đi lên là điều tất yếu.
Giá vốn hàng bán của 5 loại sản phẩm chủ lực của Lọc hóa dầu Bình Sơn đều thấp hơn so với doanh thu tương ứng, tức là cả 5 loại đều có lãi gộp. Biểu đồ dưới đây cho thấy Jet A1 dẫn đầu về biên lãi gộp với tỷ lệ 17%, diesel bám sát phía sau. Biên lãi gộp của RON 95, RON 92 và LPG khá tương đồng với nhau.
Dầu diesel là nhiên liệu quan trọng bậc nhất với nền kinh tế toàn cầu. Trong khi các loại xăng RON 92 và 95 được dùng để chạy các phương tiện cá nhân loại nhỏ như xe máy và ô tô con thì diesel là nhiên liệu cho các máy móc lớn hơn như xe tải, xe bus, tàu hỏa, tàu thuyền, sà lan, máy kéo, máy cày, máy xúc, máy ủi, xe lu, …
Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) được sử dụng đa dạng trong công nghiệp cũng như dân dụng cho các mục đích như: làm nhiên liệu cho phương tiện vận tải với ưu điểm đốt cháy tốt hơn diesel và xăng, làm môi chất làm lạnh, nguyên liệu cho công nghiệp hóa chất, sấy khô nông sản, sưởi ấm, đun nấu, nhiên liệu trong công nghiệp, chạy máy phát điện trong nhà máy nhiệt điện, …
Một năm lãi kỷ lục
Riêng quý IV vừa qua, Lọc hóa dầu Bình Sơn ghi nhận doanh thu 40.430 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi gộp đạt 1.727 tỷ, giảm 45% và tương ứng với biên lợi nhuận 4,27%.
Sau khi hạch toán hết các nguồn thu và loại chi phí, công ty báo cáo lãi sau thuế 1.495 tỷ đồng trong quý IV, giảm 44% so với quý cuối năm 2021.
Báo cáo giải trình của công ty cho biết giá dầu thô giảm sút trong nửa cuối năm 2022 đã khiến lợi nhuận quý IV đi xuống. Ngoài ra, chênh lệch giữa giá đầu vào và sản phẩm đầu ra cũng ảnh hưởng lớn.
Cụ thể, khoảng cách giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm dầu diesel và Jet A1 quý IV/2022 cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, khoảng cách giá dầu thô với các sản phẩm xăng và hạt nhựa polypropylene lại thấp hơn nhiều.
Lũy kế cả năm 2022 vừa qua, Lọc hóa dầu Bình Sơn lãi sau thuế cao kỷ lục 14.394 tỷ đồng, cao gấp 2,2 lần năm trước. Đa phần số lợi nhuận này đến từ quý II khi công ty báo lãi hơn 9.900 tỷ trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới lên cao vì xung đột Nga – Ukraine.
Một trong những khách hàng lớn của Lọc hóa dầu Bình Sơn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – Mã: PLX). Tính đến ngày 31/12/2022, Petrolimex đang nợ Bình Sơn xấp xỉ 4.500 tỷ đồng tiền mua hàng chưa thanh toán.
Công ty TNHH MTV Nhiên liệu Hàng không Việt Nam (Skypec) cũng phải trả 493 tỷ đồng, Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội (Mipec) phải trả 440 tỷ, Cục Xăng dầu – Tổng cục Hậu cần còn nợ 261 tỷ.