Báo cáo mới nhất được Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn trong quý 3 dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu), và sẽ tăng lên 4,4 triệu m3 trong quý 4.
Bộ cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu khoảng 500.000 m3/tháng. Với nguồn cung như trên, trong khi nhu cầu trong nước khoảng 1,6 - 1,7 triệu m3/tháng, là hoàn toàn đáp ứng đủ.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định tổng nguồn cung xăng dầu đủ đáp ứng nhu cầu, nên việc thiếu xăng dầu là phi lý và sẽ mạnh tay rút phép đơn vị không thực hiện đúng quy định.
Quy định thì đã rõ, vậy tại sao trong những ngày qua đã bắt đầu có cây xăng treo biển ngưng bán với nhiều lý do khác nhau?
Nhiều thương nhân phân phối, đại lý lại than phiền không thể mua được hàng từ các doanh nghiệp đầu mối hoặc phải chấp nhận mua với chiết khấu bằng 0. Như thế cộng với các chi phí bán hàng thì càng bán ra càng lỗ.
Doanh nghiệp kinh doanh phải chấp nhận rủi ro. Nhưng khi lợi nhuận không đủ bù đắp chi phí kéo dài, doanh nghiệp có thể dừng hoạt động theo đúng quy định pháp luật.
Nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu cho biết việc các doanh nghiệp đầu mối hạ chiết khấu xăng dầu xuống mức thấp, duy trì ở mức 100 đồng/lít, thậm chí hạ xuống mức 0 đồng, là chuyện bình thường trong kinh doanh.
Bởi trước đó, khi tình hình nguồn cung ổn định, các thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cũng hưởng mức chiết khấu cao trên 1.000 đồng/lít.
Hiện nay do giá xăng dầu tại thị trường Singapore cao hơn giá bán lẻ trong nước, khi nhập xăng dầu mới về, các doanh nghiệp đầu mối sẽ lỗ từ vài trăm đến 2.000 đồng/lít. Còn với hàng tồn trước đây thì do xăng dầu đã giảm năm lần liên tiếp nên bán ra cũng đã lỗ 6.000 - 7.000 đồng/lít.
"Kinh doanh phải có lúc lời lúc lỗ, khi thị trường ổn định thì cả doanh nghiệp đầu mối và đại lý đều có lời thì khi khó khăn phải chia sẻ với nhau", vị này cho hay.
Bên nào cũng có lý lẽ của mình, chỉ người tiêu dùng lo lắng vì khi cần đổ xăng thì cây xăng đóng cửa. Người tiêu dùng chấp nhận mức giá cao theo thị trường nhưng không chấp nhận kiểu kinh doanh khi lãi lớn thì im re, còn khi lỗ lại dọa nghỉ bán.
Trước tình trạng nhiều đại lý "hò nhau" nghỉ bán vì thua lỗ, trong công văn hỏa tốc mới đây, Bộ Công thương đề nghị các doanh nghiệp "có khó khăn, vướng mắc báo cáo kịp thời để phối hợp xử lý".
Đây là động thái để lắng nghe đầy đủ hơn tiếng nói thị trường, nhưng để bắt đúng bệnh vì sao cây xăng nghỉ bán, cần có hành động cụ thể để giải đáp nhiều câu hỏi chứ không chỉ dừng lại ở việc khẳng định nguồn cung xăng dầu không thiếu.
Đó là có hay không việc rút phép với 7 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu làm ảnh hưởng đến nguồn cung trên thị trường? Có hay không tình trạng doanh nghiệp phân phối, các đại lý xăng dầu không thể mua hàng được từ đầu mối hoặc phải chấp nhận mức chiết khấu bằng 0, chiết khấu âm dẫn tới thua lỗ?
Việc thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối trong đảm bảo tổng nguồn được phân giao, đảm bảo dự trữ lưu thông như thế nào? Bao giờ thì chính thức công bố kết quả thanh tra, rà soát tổng thể các doanh nghiệp xăng dầu, đảm bảo tính công khai minh bạch?
Đối với một thị trường phức tạp và biến động mạnh như xăng dầu, cần hơn hết là "bắt đúng bệnh", hiểu rõ các bất cập thì mới có giải pháp hiệu quả hơn.