Theo WSJ, nhu cầu của người tiêu dùng trên khắp thế giới đang dần suy yếu. Đây được coi là chỉ dấu cho thấy sự bùng nổ trước đây đối với hàng hóa tiêu dùng đang đứng trước nguy cơ trở thành một “vụ phá sản”, trong bối cảnh giá cả tăng cao còn lãi suất đang xói mòn động lực chi tiêu.
Theo một cuộc khảo sát được thực hiện mới đây ở các nhà máy tại Hàn Quốc, Italy hay Mỹ, sản lượng đang giảm hoặc chỉ tăng với tốc độ rất chậm do thiếu hụt các đơn đặt hàng, đặc biệt từ phía quốc gia nhập khẩu.
Khi giá cả bắt đầu tăng nhanh hồi đầu năm ngoái, ngân hàng trung ương chỉ đơn thuần nghĩ rằng tình trạng này sẽ sớm kết thúc và nguồn cung chắc chắn sẽ bắt kịp nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, do lạm phát không hề hạ nhiệt, những cơ quan này đã ngừng chờ đợi và bắt đầu tăng lãi suất để tái cân bằng cán cân cung-cầu. Khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng bị ảnh hưởng.
Theo WSJ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED đang tìm cách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào rủi ro suy thoái.
“Nếu FED có thể “hạ cánh mềm”, nỗ lực tái cân bằng cán cân cung-cầu sẽ giúp giảm áp lực lên giá cả”, Kurt Rankin , chuyên gia kinh tế cấp cao tại PNC Financial Services Group cho biết.
FED
Tuy nhiên, điều này cũng có rủi ro. Nếu nhu cầu giảm quá nhiều, các doanh nghiệp sẽ buộc phải cắt giảm sản xuất và sa thải công nhân. Nền kinh tế sẽ lại bị đẩy vào nguy cơ suy thoái, theo ông Rankin.
Phát biểu tại cuộc họp giữa các ngân hàng trung ương tại Bồ Đào Nha hồi đầu tuần này, Chủ tịch FED ông Jerome Powell cho biết các nhà hoạch định chính sách cần hạ nhiệt tiêu dùng “để nguồn cung nhanh chóng bắt kịp”.
“Hiện tại, cung và cầu đang thực sự mất cân bằng. Chúng ta cần thiết lập lại cán cân để lạm phát có thể giảm xuống”, ông Powell khẳng định.
Trong tháng 6, năng suất tại các nhà máy trên khắp nước Mỹ đã tăng với tốc độ chậm nhất trong 2 năm, theo Viện Quản lý Cung ứng về hoạt động sản xuất Mỹ. Số lượng các đơn đặt hàng cũng sụt giảm lần đầu tiên sau 2 năm do nhu cầu suy yếu, trong khi số việc làm trong lĩnh vực sản xuất cũng diễn biến kém tích cực. Kỳ vọng về sản lượng trong tương lai hiện đang giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2020.
Điều này, cùng sự không chắc chắn trong triển vọng kinh tế và gián đoạn chuỗi cung ứng đã đè nặng lên tâm lý khách hàng. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu, sản lượng tại các nhà máy đã giảm trong tháng 6, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2020, theo S&P Global. Đà suy yếu này được dự báo sẽ tiếp diễn trong tương lai gần, khi lượng đơn đặt hàng mới giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 5/2020.
Trong bối cảnh giá cả tăng cao, nhu cầu đối với một loạt hàng hoá đang dần suy yếu
Theo WSJ, hoạt động xuất khẩu của các nền kinh tế châu Á cũng đang giảm tốc. Số liệu chính thức được công bố mới đây cho thấy tăng trưởng xuất khẩu Hàn Quốc đang chậm lại đáng kể, trong khi hoạt động xuất khẩu công nghệ từ Việt Nam cũng vừa giảm tháng thứ 2 liên tiếp.
Tại Trung Quốc, động thái nới lỏng phong tỏa của giới chức đại lục đang giúp triển vọng kinh tế được dự báo lạc quan trở lại, song nhu cầu từ nước ngoài đang rất yếu. Theo nhà sản xuất chip nhớ Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC), nhu cầu đối với điện tử tiêu dùng và thiết bị gia dụng giống hệt "như một tảng đá", trong khi công ty Ryohin Keikaku của Nhật Bản vừa phải cắt giảm triển vọng lợi nhuận trong năm 2022.
Trong một dấu hiệu khác về nhu cầu suy yếu, chi phí vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Bờ Tây nước Mỹ đã giảm 15% so với tuần trước, theo Chỉ số Freightos Baltic, đồng thời thấp hơn 14% so với một năm trước đó.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu hộ gia đình đã tăng 0,2% so với tháng trước, song chi tiêu cho hàng hóa giảm 0,7%. Sau khi điều chỉnh theo số liệu lạm phát, tổng chi tiêu của người Mỹ giảm 0,4% trong tháng 5, trong khi chi tiêu hàng hóa giảm 1,6%, đặc biệt đối với những loại hàng hoá bền, có tuổi thọ ít nhất 3 năm. Theo các chuyên gia, điều này khó có khả năng làm giảm tỷ lệ lạm phát do xung đột Nga-Ukraine đang đẩy giá năng lượng và lương thực toàn cầu tăng phi mã.
Theo: WSJ