Trong hai tháng đầu năm 2024, vốn FDI đổ vào Bà Rịa – Vũng Tàu đạt 392 triệu USD, tăng 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2023 giúp cho tỉnh này trở thành một trong các địa phương thu hút vốn FDI tốt nhất cả nước, chỉ xếp sau Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên...
Ưu tiên chất lượng hơn số lượng
Trong khi các tỉnh trọng điểm về thu hút FDI ở khu vực phía Nam như Bình Dương hay Đồng Nai đều có đặc điểm là lượng doanh nghiệp FDI lớn và số vốn trung bình không cao thì Bà Rịa - Vũng Tàu lại có xu hướng ngược lại.
Năm 2023, Bà Rịa - Vũng Tàu có 21 dự án FDI mới được cấp phép và 29 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương gần 154% kế hoạch và tăng 91,7% so với năm 2022.
Trong khi đó, Bình Dương cũng thu hút được khoảng 1,57 tỷ USD nhưng có 136 dự án đăng ký mới và 50 dự án điều chỉnh vốn, Đồng Nai thu hút được 1,51 tỷ USD có 85 dự án đăng ký mới và 83 dự án điều chỉnh vốn.
Luỹ kế từ năm 1988 đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu tuy thu hút lượng vốn FDI thấp hơn đôi chút so với hai tỉnh Bình Dương, Đồng Nai nhưng số dự án thấp hơn nhiều. Địa phương này có 555 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 34,2 tỷ USD. Trong khi đó, Bình Dương có đến 4.239 dự án và tổng vốn khoảng 40 tỷ USD, Đồng Nai có 1.919 dự án với tổng vốn 36,1 tỷ USD.
Xu hướng thu hút FDI chạy theo số lượng mà “quên” đi chất lượng dẫn hệ quả sử dụng nhiều đất, thâm dụng lao động đẩy giá bất động sản khu công nghiệp cao lên gây khó khăn cho thu hút vốn đầu tư mới.
Số lượng dự án lớn, thâm dụng lao động khiến các địa phương khác không còn nhiều dư địa thu hút đầu tư như Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều này cũng thể hiện thông qua giá thuê bất động sản khu công nghiệp, theo báo cáo của SSI Research, trong khi TP HCM giá bất động sản khu công nghiệp lên tới 275 USD/m2/chu kỳ thuê, Đồng Nai trên 200 USD/m2/chu kỳ thuê, Bình Dương và Long An gần khoảng 190 USD/m2/chu kỳ thuê thì Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ khoảng 128 USD/m2/chu kỳ thuê.
Với việc thu hút nhiều "đại bàng" FDI năm 2023, Bà Rịa – Vũng Tàu lại chứng kiến sự tăng giá thuê đất mạnh nhất, từ 95 lên thành 128 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 35%. Long An có mức tăng 23% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 191 USD/m2, Đồng Nai tăng 18% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 188 USD/m2. Bình Dương và TP HCM hầu như không có đất trống, không có sự tăng giá.
Nhiều "đại bàng" chọn Bà Rịa - Vũng Tàu làm cứ điểm
Năm 2023, cùng với dự án nhà máy sợi carbon đang được triển khai thuận lợi, Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) tiếp tục đầu tư dự án có vốn đầu tư khoảng 720 triệu USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Hyosung là tập đoàn dẫn đầu Hàn Quốc về sản xuất máy biến áp điện.
Tập đoàn này đã đầu tư vào ba dự án hóa chất, hạt nhựa và kho ngầm chứa khí đốt hóa lỏng (LPG) ở Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,66 tỷ USD và muốn rót thêm 2 tỷ USD vào Việt Nam trong năm 2024 để tăng vốn lên 5,5 tỷ USD.
Ngoài Hyosung, mới đây Bà Rịa - Vũng Tàu cũng vào "tầm ngắm" của WHA - một tập đoàn phát triển khu công nghiệp Thái Lan với kế hoạch xây dựng một dự án có quy mô lên đến 1.200 ha.
Trong buổi gặp gỡ với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới đây, Chủ tịch của WHA cho biết định hướng trong thời gian tới của WHA là phát triển các khu công nghiệp sinh thái thông minh, với mục tiêu 5 năm tới đầu tư ít nhất 1 tỷ USD vào các dự án khu công nghiệp tại Việt Nam.
Với việc có nhiều khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia có quy mô lớn, nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, WHA hy vọng sẽ thu hút thành công vào các khu công nghiệp này các dự án thứ cấp có tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ USD. WHA đề xuất kế hoạch xây khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Châu Đức ở huyện Châu Đức với quy mô dự kiến lớn thứ hai tại tỉnh.
- TIN LIÊN QUAN
-
Bắc Giang, Quảng Ninh giữ vững phong độ thu hút FDI do đâu? 01/03/2024 - 07:54
-
Bắc Ninh, Thái Nguyên nhường chỗ những 'ngôi sao' thu hút FDI mới 22/02/2024 - 07:15
-
Là 'thủ phủ' của Samsung, vì sao Bắc Ninh đang chững lại trong tăng trưởng? 25/02/2024 - 08:00
-
Vì sao thu hút FDI của Bình Dương, Đồng Nai 'đuối sức' so với các tỉnh phía Bắc?
Một lĩnh vực thu hút vốn FDI thế hệ mới của Bà Rịa - Vũng Tàu là điện gió cũng đang được các nhà đầu tư FDI rất quan tâm.
Mới đây, Tổng Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) thuộc tập đoàn Petrovietnam (PVN) và CS Wind, nhà sản xuất tháp điện gió từ Hàn Quốc cho biết sẽ hoàn thành dự án mở rộng nhà máy sản xuất tháp điện gió đặt tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 trong tháng 2 để bắt đầu sản xuất cho giai đoạn mới này vào tháng 4. Tổng vốn đầu cho dự án mở rộng sản xuất khoảng 80 triệu USD.
PTSC cũng đang khảo sát phục vụ dự án điện gió ngoài khơi hợp tác với Sembcorp Utilities Ltd tại khu vực biển Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu điện sang Singapore. Nếu được thực hiện, đây sẽ là dự án năng lượng tái tạo có quy mô rất lớn khi xuất khẩu 1,2GW điện carbon thấp từ Việt Nam sang Singapore.
Ngoài Hyosung, hay WHA Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đón nhiều "đại bàng" FDI khác như Heineken Hà Lan, Siam Cement Group Thái Lan, Marubeni Nhật Bản, ông lớn đóng tàu Vard của Na Uy, Austal của Australia…