Metaverse từng là từ khóa khiến cộng đồng công nghệ phát cuồng năm ngoái. Đây được xem là bước ngoặt quan trọng tiếp theo sau kỷ nguyên Internet. Từ những công ty khởi nghiệp đến các tập đoàn công nghệ nổi tiếng như Meta, Microsoft, ByteDance, Amazon, Disney, Nvidia... đều không giấu tham vọng trong lĩnh vực này.
Bloomberg từng ước tính ngành công nghiệp metaverse sẽ đạt giá trị 800 tỷ USD vào năm 2024. Tuy nhiên, sức nóng của vũ trụ ảo đã nguội dần thời gian gần đây. Decentraland, một trong những metaverse nổi tiếng bậc nhất với các lô đất ảo hàng triệu USD giờ như một nơi hoang vu không người qua lại.
Theo CoinDesk, đầu tuần này, số người hoạt động hàng ngày trên Decentraland sụt mạnh chỉ còn trung bình 38 người. Lúc thấp nhất thậm chí còn 19 người. Cuối năm ngoái, khi metaverse trở thành cơn sốt khắp nơi, Wired dẫn báo cáo cho biết mỗi giờ Decentraland có khoảng 1.600 người tham gia cùng lúc.
Axie Infinity từng có 2,7 triệu người dùng hàng tháng hồi đầu năm và bán được mảnh đất ảo trị giá 2,3 triệu USD trong metaverse. Còn nay, game blockchain này chỉ còn 700 nghìn người chơi mỗi tháng, theo dữ liệu của Activeplayer.
Một đối thủ khác của Decentraland là The Sandbox cũng chỉ còn 522 người dùng hoạt động trong ngày. Theo DappRadar, lượng người dùng thật sự hoạt động trên vũ trụ ảo còn thấp hơn nhiều. Không phải ai đăng nhập The Sandbox hoặc Decentraland cũng để trao đổi và mua bán, nhiều người chỉ đơn giản truy cập rồi để đó khiến khung cảnh trong metaverse càng trở nên đìu hiu.
Trước những dữ liệu trên, Decentraland khẳng định trong tháng 9, họ có 1.074 người dùng. Tuy nhiên, nền tảng không giải thích về con số 19 người dùng hàng ngày. Trong khi đó, Arthur Madrid, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của The Sandbox nói với Coindesk rằng các chỉ số DappRadar đưa ra chỉ dựa trên các giao dịch. Trên thực tế, nhiều người vẫn dùng nền tảng mà không thực hiện giao dịch này.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây chính là vấn đề của vũ trụ ảo. Metaverse vẫn còn đơn giản về mặt đồ họa và trò chơi, phần lớn người dùng tham gia lĩnh vực này vì tò mò và đầu cơ. Nhưng khi thị trường tiền mã hóa lao dốc, người dùng cũng từ bỏ metaverse.
Trước đó, nhiều người nói trải nghiệm của họ trong vũ trụ ảo như đang đi vào thị trấn ma. "Ở quận Thời trang của Decentraland, nơi được xem là con phố xa xỉ và đông đúc bậc nhất, mọi thứ trông như một phim trường trống trải, các cửa hàng hoang vu không có người dùng", cây viết công nghệ Eric Ravenscraft của Wired mô tả.
Một số người dùng nói cảm thấy lạc lõng, cô đơn trong metaverse. "Tôi dạo một vòng trong The Sandbox, cố bắt chuyện với một người nhưng không được phản hồi. Có vẻ ai đó đăng nhập vào tài khoản rồi để đấy chứ không 'sống' trong vũ trụ ảo", tài khoản Chris Tilley kể về trải nghiệm hồi đầu tháng 10.
Sasha Fleyshman, Giám đốc đầu tư tài sản số của Arca, nói với CoinDesk rằng các nền tảng metaverse sẽ có giá trị hơn nhiều đối với người dùng khi chúng thực sự hoạt động như dự định. Tuy nhiên, các sản phẩm trên metaverse chưa đủ hấp dẫn để giữ chân người dùng.
Ngay cả với Meta, công ty đã đốt hàng chục triệu USD vào vũ trụ ảo Horizon Worlds của họ, cũng chỉ thu hút được khoảng 300.000 người, theo báo cáo hồi tháng 2. Ngay cả nhân viên Meta cũng chán dùng metaverse do công ty mình tạo ra vì nó vẫn còn gặp hàng loạt lỗi, hoạt động thiếu ổn định.
Nhiều chuyên gia cho rằng metaverse còn quá non trẻ để trở thành bước ngoặt mới của công nghệ. Sở dĩ vũ trụ ảo trở thành cơn sốt cuối năm ngoái là do tâm lý đầu cơ. Giờ đây bong bóng đã nổ, để lại một metaverse không người dùng.
tổng hợp