Ngày 29-3, Pháp Luật TP.HCM có đăng bài “Mất dấu núm ruột, đứt gãy tình mẫu tử”, phản ánh trường hợp của chị L hơn một năm qua ngày đêm mong mỏi được gặp con dù trước đó, tòa tuyên giao con cho chị trực tiếp nuôi dưỡng.
Hơn một năm mòn mỏi chờ được giao con sau ly hôn theo bản án tòa tuyên, đến nay chị OCL (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) đã được sum vầy cùng con gái gần bốn tuổi của mình.
Mới đây, chị L đã gửi thư cảm ơn đến Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận 12, TP.HCM vì sự vào cuộc quyết liệt của chấp hành viên và cơ quan THA này. Đồng thời, chị L cũng gửi lời cảm ơn đến báo Pháp Luật TP.HCM đã giúp chị nói lên tiếng nói, nỗi lòng mong mỏi được giao con, từ đó thúc đẩy sự việc có kết quả tốt đẹp như hôm nay.
Chị L sau thời gian dài mong mỏi được đón con về nuôi dưỡng, đến nay đã thành hiện thực. Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Từ miền Nam ra Bắc tìm con
Theo chị L, sau khi có bản án ly hôn của tòa, tháng 3-2022, Chi cục THADS TP Thủ Đức ra quyết định THA, buộc chồng cũ của chị là anh H giao con cho chị trực tiếp nuôi dưỡng. Tuy nhiên, trong quá trình THA, anh H không chấp hành mà đưa con đi nơi khác sinh sống.
Sau bao ngày tìm kiếm, ngày 27-3-2023, chị L tình cờ biết được anh H đang sống tại một chung cư ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Ngay lập tức, chị L đã cung cấp địa chỉ mới của anh H và yêu cầu Chi cục THADS TP Thủ Đức ủy thác THA sang Chi cục THADS quận 12.
Thời gian này, chị L thường xuyên đến chung cư để chờ gặp con gái nhưng không được. Qua xác minh của công an khu vực nơi đây, chị L được biết anh H ở cùng gia đình mới chứ không ở cùng con gái.
Sau thời gian suy nghĩ cùng với sự quyết tâm tìm con, tháng 4-2023, chị L đã tìm về quê của anh H ở tận miền Bắc để tìm con gái.
Lần theo địa chỉ, chị đến một nhà ở xã Đồn Xá, huyện Bình Lục, Hà Nam, nơi trước đây chị đã từng về một lần. Theo đúng suy nghĩ của chị, bé P là con gái chị đang sống ở đây cùng ông bà nội.
Chị L chia sẻ: “Khi xác định được chỗ ở của con, tôi về trình bày sự việc cho chi cục trưởng Chi cục THADS quận 12. Được sự đồng ý của lãnh đạo chi cục, ngày 12-5-2023, chấp hành viên đã cùng với tôi ra tận Chi cục THADS huyện Bình Lục để trực tiếp ủy thác hồ sơ THA. Cùng thời gian này, tôi đã được gặp trực tiếp con và đón bé tại trường mà bé đang học.
Dù gia đình nhà chồng cũ không đồng ý giao con nhưng với quyết tâm của mình, tôi đã nhờ chính quyền xã nơi đây can thiệp. Ngày 18-5, tôi có đầy đủ giấy khai sinh, bản án của tòa… nên được dẫn con về sinh sống cho đến nay”.
“Tình thương của người mẹ mà cụ thể là chị L rất lớn, chị đã vượt qua tất cả khó khăn để có được kết quả như hôm nay.”
Thi hành án nhưng không giao con
Theo nội dung bài viết “Mất dấu núm ruột, đứt gãy tình mẫu tử”, chị L và anh H cưới nhau vào đầu năm 2019, đến cuối năm thì cả hai có với nhau một bé gái tên P. Trong quá trình chung sống, cả hai xảy ra mâu thuẫn không thể hàn gắn được. Để tránh xung đột xảy ra, chị L đã chuyển ra ở riêng, bé P vẫn ở với anh H.
Đến cuối năm 2021, chị L đã nộp đơn ra tòa tranh chấp ly hôn và quyền nuôi con. Tháng 7-2021, TAND TP Thủ Đức tiến hành xét xử sơ thẩm và tuyên chấp nhận yêu cầu ly hôn, giao bé P cho chị L trực tiếp nuôi dưỡng. Sau đó, anh H kháng cáo. Đến tháng 2-2022, TAND TP.HCM đã xét xử phúc thẩm và vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tháng 3-2022, Chi cục THADS TP Thủ Đức ra quyết định THA buộc anh H giao con cho chị L.
Dù đã có quyết định THA và chấp hành viên tổ chức phối hợp với UBND, Công an phường Hiệp Bình Chánh… trực tiếp đến nhà anh H đang ở để yêu cầu THA nhưng anh H vẫn không thực hiện việc giao con.
Ngày 24-8-2022, chấp hành viên có biên bản xác minh điều kiện THA đối với anh H. Theo biên bản thì thời gian này, anh H cùng cha mẹ đã dẫn bé P đi nơi khác, không còn sống tại địa chỉ đăng ký thường trú nữa…•
Ghi nhận sự quyết liệt muốn tìm lại con của chị H Sau khi nhận được ủy thác THA từ Chi cục THADS quận 12, chúng tôi cũng chỉ làm đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Sau khi nhận được ủy thác, ngay hôm sau cơ quan THADS huyện Bình Lục đã ra quyết định THA. Sau đó, cơ quan THA đã làm việc với địa phương về việc THA giao con. Tại buổi làm việc, phía bên phải THA chỉ có cha mẹ anh H, anh H không có mặt tại đây. Sau quá trình làm việc, bé P đã được về với người mẹ. Khi tòa ra phán quyết cuối cùng và quyết định giao con cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng thì chúng tôi cần phải tôn trọng điều đó. Ngoài ra, việc người mẹ được nhận lại con là một điều thiêng liêng và trân trọng. Hơn nữa, chúng tôi cũng ghi nhận sự quyết liệt muốn tìm gặp và đón con về sống chung của chị H. Việc từ miền Nam ra tận miền Bắc tìm con không phải chuyện đơn giản. Điều này cho thấy tình thương của người mẹ mà cụ thể là chị L rất lớn, chị đã vượt qua tất cả khó khăn để có được kết quả như hôm nay. Ông Lê Quốc Huy, Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam |