Đài CNN dẫn tài liệu ở tòa được gỡ niêm phong và công bố ngày 12-8. Lệnh khám xét được công khai xác định 3 nghi vấn phạm tội hình sự liên bang trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp: vi phạm Luật tình báo, cản trở công lý và vi phạm pháp luật trong xử lý tài liệu nhà nước.
Lệnh khám xét cho thấy Bộ Tư pháp có "lý do khả dĩ" để điều tra và thu thập bằng chứng, nhưng cho tới giờ chưa ai bị truy tố.
"Chưa từng có tiền lệ"
Các tài liệu được gỡ niêm phong của tòa cho thấy Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), vốn chính thức dưới quyền Bộ Tư pháp, đã thu thập tổng cộng hơn 20 hộp tài liệu, nhiều tập hình ảnh, các tư liệu nhà nước xếp loại mật và ít nhất một bản giấy viết tay.
Lệnh khám xét được gỡ niêm phong, công khai theo lệnh từ một thẩm phán liên bang và đã được nhiều hãng tin ở Mỹ đăng lại.
Trong khi chi tiết về các tài liệu này vẫn được giữ kín, những vấn đề pháp luật liên quan trong lệnh khám xét phần nào cho thấy phạm vi cuộc điều tra của FBI khi lục soát nhà ông Trump - một động thái mà Đài CNN bình luận là "chưa từng có tiền lệ", và gây ra "cơn bão chỉ trích từ những đồng minh thân cận nhất của cựu tổng thống".
Cụ thể, lệnh khám xét nói việc thu thập chứng cứ được tiến hành do có nghi ngờ xảy ra hành vi "hủy hoại hoặc che giấu các tài liệu nhằm cản trở những cuộc điều tra của nhà nước", và "thu thập, tàng trữ, hay chuyển giao thông tin quốc phòng hay tài liệu mật".
Trong chứng từ thu thập tài liệu của nhà chức trách còn có hồ sơ về vụ ân xá cho ông Roger Stone - một đồng minh thân cận của ông Trump - từng bị kết tội nói dối Quốc hội vào năm 2019 trong cuộc điều tra cáo buộc can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.
Ông Trump đã ân xá cho ông Stone ngay trước khi rời ghế tổng thống, giúp ông này tránh được bản án 3 năm tù.
Giải thích cho quyết định xin gỡ niêm phong và công khai các lệnh khám xét, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland nói ông muốn "bảo vệ quyền hiến định của mọi người Mỹ và sự chính trực trong cuộc điều tra của chúng tôi", dù ông cũng nhấn mạnh một phần công việc của Bộ Tư pháp vẫn phải diễn ra bí mật.
Nhiều đồng minh của ông Trump bên phía Cộng hòa cáo buộc đây là động thái có tính chính trị chứ không phải pháp lý.
Bản thân ông Trump, trong một bài đăng vào tối muộn ngày 11-8 trên mạng xã hội của ông - Truth Social, nói ông không chỉ "không phản đối việc công khai các tài liệu đó [lệnh khám xét]" mà còn "khuyến khích công bố ngay lập tức".
Đối đầu Dân chủ - Cộng hòa
Trước đó, tòa đã chỉ thị cho Bộ Tư pháp hỏi ý kiến ông Trump về yêu cầu công khai các lệnh khám xét. Pháp luật Mỹ bảo vệ chặt chẽ quyền của người bị điều tra cho tới khi bị truy tố chính thức.
Ông Trump cũng tuyên bố các luật sư của ông "hoàn toàn hợp tác" với nhà nước và "có quan hệ tốt" với các điều tra viên liên bang trước cuộc lục soát hôm 12-8.
"Chính quyền muốn thu gì thì cứ thu, nếu chúng tôi có những thứ họ muốn - ông Trump nói - Mọi thứ đều ổn, ổn hơn so với hầu hết các cựu tổng thống trước, rồi thình lình, không hề báo trước, Mar-a-Lago bị đột kích, vào lúc 6h30 sáng bởi một số lượng rất lớn điều tra viên và thậm chí cả những người phá két".
Những người ủng hộ ông Trump và một số nhân vật cộm cán của phe Cộng hòa ở Washington cáo buộc phe Dân chủ đang xài tiền ngân sách để phục vụ cho mục đích chính trị là săn đuổi và hạ bệ ngài cựu tổng thống.
"Những gì họ đang làm với tổng thống Trump là một cuộc truy bức chính trị - hạ nghị sĩ Cộng hòa Marjorie Taylor Greene nói - Merrick Garland đã lạm quyền, trong vai trò bộ trưởng tư pháp, khi truy bức chính trị những địch thủ của Joe Biden.
Toàn bộ mục đích của vụ này là để ngăn tổng thống Trump không bao giờ được nắm quyền nữa".
Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu đảng Cộng hòa, một nhóm tập hợp cánh hữu của phe Cộng hòa trong Hạ viện, Jim Banks, thì cáo buộc ông Garland che giấu thông tin trong cuộc điều tra.
Trong khi đó, một số nghị sĩ Dân chủ lại chỉ trích ông Garland đã "thận trọng thái quá" khi điều tra ông Trump. "Nếu bản chất của những tài liệu này quả là như chúng ta vẫn tưởng thì đây là một vụ hết sức nghiêm trọng", Chủ tịch Hạ viện Mỹ của phe Dân chủ Nancy Pelosi nói.
Trong cuộc họp báo ngày 12-8, Bộ trưởng Tư pháp Garland nói đích thân ông đã "phê chuẩn quyết định xin lệnh khám xét" và hứa sẽ bảo vệ FBI và Bộ Tư pháp trước những cuộc tấn công từ giới ủng hộ Trump.
Ngày 11-8, một người đàn ông có vũ trang đã bị cảnh sát bắn chết khi tìm cách đột nhập vào trụ sở FBI ở Cincinnati khi kêu gọi nổi dậy vũ trang để cứu ông Trump. Bộ Tư pháp Mỹ đã nhận nhiều chỉ trích, thậm chí là đe dọa, trên mạng sau cuộc lục soát ngày 12-8.