Phiên tòa thực hiện xét hỏi đối với nhóm bị cáo buộc lợi dụng chức vụ quyền hạn, đưa - nhận và môi giới hối lộ xảy ra tại phòng Tàu sông - Cục Đăng kiểm Việt Nam; Chi cục Đăng kiểm số 6, Chi cục Đăng kiểm số 9 và nhóm bị cáo liên quan đến hoạt động đấu thầu, mua sắm thiết bị kiểm định.
Đáng chú ý, trong nhóm bị cáo được xét hỏi hôm nay có cựu Phó Trưởng phòng Tàu sông Đỗ Trung Học, người đang trốn truy nã và bị xét xử vắng mặt. Theo cáo trạng, bị cáo Đỗ Trung Học đã nhận hối lộ hơn 2,8 tỷ đồng để cấp thông báo năng lực cho 38 cơ sở đóng tàu tại tỉnh Long An hoạt động trái luật.
Để được cấp thông báo năng lực, chủ các cơ sở đóng tàu tại Long An liên hệ bị cáo Phạm Hoài Hà (cựu Giám đốc Chi cục Đăng kiểm tỉnh Long An). Sau đó bị cáo Hà giới thiệu bị cáo Nguyễn Xuân Hào (Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm tỉnh Long An) lập hồ sơ của 38 cơ sở đóng tàu.
Bị cáo Hào đã nhận của chủ các cơ sở đóng tàu từ 30 triệu đồng đến 150 triệu đồng/xưởng với lời hứa chắc chắn sẽ được cấp thông báo năng lực, sau đó Hào đã gửi các hồ sơ này ra Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành đánh giá.
Tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, bị cáo Đỗ Trung Học là người soát xét hồ sơ. Bị cáo Học đã cung cấp số tài khoản cá nhân và yêu cầu Phạm Hoài Hà chuyển tiền để duyệt hồ sơ. Hà yêu cầu Nguyễn Xuân Hào chuyển tiền vào tài khoản của Đỗ Trung Học, tổng cộng chuyển 4,1 tỷ đồng; trong đó, 2,8 tỷ đồng để cấp thông báo năng lực xưởng, còn 1,3 tỷ đồng để làm hồ sơ thiết kế.
Tất cả hồ sơ nộp đánh giá đều không đủ điều kiện để cấp thông báo năng lực theo quy định; tuy nhiên Đỗ Trung Học và bị cáo Lê Ngọc Tú (Phó trưởng phòng Tàu sông) vẫn đề xuất bị cáo Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) ký cấp thông báo năng lực để các cơ sở này hoạt động trái pháp luật.
Trong quá trình điều tra, bị cáo Đỗ Trung Học đã xuất cảnh ra nước ngoài trước thời điểm khởi tố bị can nên Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định truy nã. Trường hợp bị cáo Học không ra đầu thú thì coi như từ bỏ quyền tự bào chữa và bị truy tố, xét xử vắng mặt.
Hội đồng Xét xử cho biết, tuy bị cáo Đỗ Trung Học đã bỏ trốn nhưng căn cứ vào lời khai của các bị cáo khác có liên quan, Tòa có đủ căn cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo Học. Việc đưa bị cáo Học ra xét xử vắng mặt theo truy tố của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, Hội đồng Xét xử vẫn chỉ định luật sư thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh bào chữa cho bị cáo Đỗ Trung Học nhằm đảm bảo tính công bằng của pháp luật.
Bị cáo Bùi Quốc Hưng (cựu Trưởng phòng Tàu sông), bị cáo buộc trong quá trình soát xét hồ sơ cấp thông báo năng lực cho cơ sở đóng tàu đã đánh giá 62 cơ sở và soát xét 98 hồ sơ; kết quả điều tra xác định 30 hồ sơ cơ sở đóng tàu trong số đó không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực.
Bị cáo Đậu Ngọc Bình (cựu Phó phòng Tàu sông), đã đánh giá 1 hồ sơ, soát xét 57 hồ sơ; kết quả điều tra xác định 15 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực.
Bị cáo Phạm Hoài Hà (cựu Giám đốc Chi cục Đăng kiểm tỉnh Long An) bị cáo buộc môi giới hối lộ để 38 cơ sở đóng tàu tại Long An hoạt động dù không đủ năng lực để được cấp chứng nhận. Bị cáo Phạm Hoài Hà khai, chỉ nghĩ việc giới thiệu bị cáo Nguyễn Xuân Hào để hướng dẫn các xưởng làm hồ sơ, không nghĩ hành vi của mình đã phạm tội.
Hà cũng cho biết bản thân vi phạm pháp luật dưới áp lực về chi phí duy trì hoạt động của các xưởng với 2.000 công nhân làm việc và các tàu sửa chữa, nếu không được cấp thông báo kịp thời công nhân sẽ bị mất việc làm.
Các bị cáo Phan Huy Liêm, Vũ Văn Sơn là Đăng kiểm viên phòng Tàu sông, trong đó Phan Huy Liêm được xác định đã cấp thông báo năng lực cho 5 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện; Vũ Văn Sơn đã cấp 3 hồ sơ cơ sở đóng tàu không đủ điều kiện cấp thông báo năng lực.
Lần lượt trả lời xét hỏi của Hội đồng Xét xử về cáo buộc của Viện Kiểm sát, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội và trình bày các tình tiết để Hội đồng Xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.