Tài chính

VPBank lên kế hoạch lãi hợp nhất gần 30.000 tỷ đồng trong năm 2022

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã chứng khoán VPB) vừa công bố tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2022.

Báo cáo của Hội đồng quản trị và Ban điều hành Ngân hàng cho thấy, năm 2021, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hoạt động của VPBank với sự kiện ngân hàng đã hoàn tất chuyển nhượng 50% vốn điều lệ tại FE Credit cho Tập đoàn SMBC của Nhật Bản và một đối tác khác vào tháng 10 năm 2021, xác lập kỷ lục thương vụ M&A có quy mô lớn nhất ngành tài chính Việt Nam và được bình chọn là thương vụ của năm 2021. Thương vụ thành công này đã đưa VPBank lên vị thế hàng đầu về quy mô vốn tự có và VPBank tự hào là ngân hàng có mức tăng trưởng vốn tự có cao nhất ngành ngân hàng trong năm qua, đồng thời thu nhập từ thương vụ này cũng đóng góp vào mức lợi nhuận kỷ lục gần 38 nghìn tỷ đồng của ngân hàng mẹ.

Với sự chỉ đạo kịp thời của Ban lãnh đạo cùng nỗ lực của cả tập thể, VPBank giữ vững đà tăng trưởng và duy trì hiệu quả hoạt động trong bối cảnh dịch bệnh. Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của ngân hàng đạt hơn 547 nghìn tỷ đồng, tăng 30,6% so với năm 2020 và là một trong ba ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng quy mô. 

Theo lãnh đạo ngân hàng, kết quả này được đóng góp từ sự tăng trưởng vượt bậc của hoạt động tín dụng tăng 18,9% và nguồn tiền lớn thu được từ giao dịch thoái vốn tại FE Credit. Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt hơn 44 nghìn tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước, giữ vững vị trí số một khối ngân hàng tư nhân. Chi phí hoạt động tiếp tục được quản lý hiệu quả khi chỉ số CIR giảm hơn 5% xuống 24,2% cuối năm 2021 đã giúp VPBank trở thành ngân hàng có hiệu quả sử dụng chi phí tốt nhất trong hệ thống ngân hàng góp phần đưa lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 14,4 nghìn tỷ đồng.

Ban lãnh đạo VPBank đánh giá, trong năm 2022, ngành ngân hàng tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng tích cực. Nhu cầu tín dụng phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ là nguyên liệu đáp ứng cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ngân hàng nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 14%, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Lãi suất sẽ được giữ ở mức ổn định để hỗ trợ phát triển kinh tế. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ngoài ra, nợ xấu tăng lên trong năm qua cũng sẽ là thách thức cần phải xử lý đối với toàn ngành ngân hàng trong năm 2022 để đảm bảo phát triển kinh tế đồng thời giữ cho hệ thống ngân hàng được khỏe mạnh.

Để duy trì đà tăng trưởng hiệu quả cũng như chủ động ứng phó với những bất định và thách thức của môi trường kinh doanh bên cạnh việc nắm bắt tốt hơn các cơ hội từ sự tăng trưởng tích cực của nền kinh tế Việt Nam, Ban Lãnh Đạo VPBank đề ra 5 mục tiêu cơ bản gồm: 

(1) Tối ưu nguồn lực, củng cố các biện pháp tăng năng suất, ưu tiên tăng trưởng quy mô hoạt động đi kèm với tăng trưởng có chất lượng để phù hợp với quy mô gia tăng vốn chủ sở hữu lớn của ngân hàng, bứt phá tại các phân khúc chiến lược với vị thế dẫn đầu. 

(2) Tập trung phát triển cơ sở khách hàng tại các phân khúc chiến lược thông qua nền tảng số & khai thác hệ sinh thái cùng các nỗ lực khai thác sâu danh mục khách hàng hiện hữu. 

(3) Đa dạng hóa nguồn vốn huy động, duy trì hiệu quả bảng cân đối ngân hàng qua thúc đẩy tăng trưởng tỷ lệ CASA, giữ chi phí vốn hợp lý, đẩy mạnh khả năng thâm nhập sâu vào các ngành và lĩnh vực kinh doanh mới đảm bảo hiệu quả tài chính. 

(4) Không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua quá trình đẩy mạnh số hóa, khuyến khích các sáng kiến đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa hệ thống quy trình, đẩy nhanh tiến độ giới thiệu các sản phẩm, tăng trải nghiệm gắn kết khách hàng với các hoạt động của ngân hàng. 

(5) Mở rộng hệ sinh thái và đẩy mạnh hoạt động các công ty thành viên để xác định và tận dụng mạnh mẽ các cơ hội kinh doanh mới như chứng khoán, ngân hàng đầu tư…

Trên cơ sở đó, ngân hàng đặt ra các chỉ tiêu kinh doanh chính như sau:

VPBank lên kế hoạch lãi hợp nhất gần 30.000 tỷ đồng trong năm 2022 - Ảnh 1.

Tại Ngân hàng riêng lẻ, VPBank đặt mục tiêu duy trì đà tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2022, ở mức 35%. Theo lãnh đạo ngân hàng, mức tăng trưởng này đã được tính toán dựa trên nhu cầu và năng lực của Ngân hàng, số liệu thực tế sẽ được thực hiện dựa trên các hạn mức tối đa của Ngân hàng nhà nước. Ngân hàng cũng kỳ vọng LNTT đạt trên 23 nghìn tỷ, tăng trưởng 66% so với cùng kỳ, trên cơ sở các sáng kiến cũng như chiến lược mà ngân hàng đã và đang triển khai.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm