Thời sự

Vốn ngoại vào địa phương giảm gần một nửa, TP HCM rớt hai hạng về thu hút FDI

Theo báo cáo kinh tế - xã hội TP HCM năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) quý IV tăng 7,92%. Năm 2024, GRDP thành phố theo giá so sánh 2010 đạt 1,17 triệu tỷ đồng tăng 7,17% và tăng tại cả ba khu vực kinh tế.

Trong đó, khu vực dịch vụ vẫn là động lực chính của nền kinh tế thành phố, đóng góp 68,8% vào mức tăng chung; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,12%; khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 6,89%.

Cơ cấu GRDP TP HCM năm 2024. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê TP HCM).

Thu hút FDI giảm gần 50%

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2024, TP HCM xếp thứ ba cả nước về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,04 tỷ USD, chiếm gần 8% tổng vốn đầu tư cả nước, giảm 49,4% so với năm 2023. Trong khi đó, trong các năm 2022 và 2023, đây là “quán quân” về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đăng ký lần lượt đạt 3,94 tỷ USD và 5,85 tỷ USD.

Xét về số dự án, TP HCM dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới, chiếm 42%; số lượt dự án điều chỉnh vốn chiếm 15,4%; số dự án góp vốn, mua cổ phần chiếm 69% trên tổng số dự án FDI của cả nước trong năm vừa qua.

Vốn FDI vào TP HCM trong các năm từ 2020 - 2024. (Nguồn: AM tổng hợp từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

IIP tăng 7,3%

Cục Thống kê cho biết, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục phục hồi và duy trì đà tăng trưởng tích cực trong tháng cuối năm, với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 4,6% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2024, IIP của TP HCM tăng 7,3% so với năm trước, với cả 4 ngành công nghiệp cấp I đều tăng trưởng dương.

IIP năm 2024 so với năm 2023. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê TP HCM).

Doanh nghiệp mới giảm, doanh nghiệp rời bỏ thị trường tăng

Cục Thống kê TP HCM đánh giá môi trường kinh doanh trên địa bàn thành phố trong năm qua chưa có chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp tham gia vào thị trường giảm 3,1% và số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 5,2% so với cùng kỳ.

Tính từ đầu năm đến ngày 20/12/2024, TP HCM đã cấp phép cho 48.012 doanh nghiệp với vốn đăng ký đạt 402.033 tỷ đồng, giảm 7,9% về giấy phép và giảm 14,5% về vốn so với cùng kỳ. Trong đó, có đến 82,7% doanh nghiệp thành lập mới hoạt động ngành thương mại - dịch vụ, 17% doanh nghiệp ngành công nghiệp - xây dựng và 0,3% doanh nghiệp ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. 

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tăng 10,5%

Những tháng cuối năm là thời gian cao điểm của các hoạt động thương mại, dịch vụ. Riêng tháng 12/2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP HCM ước đạt 115.524 tỷ đồng, tăng 5% so với tháng trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước.

Quý IV/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 335.726 tỷ đồng, tăng 8,3% so với quý trước và tăng 11,4% so với cùng kỳ. 

Tính chung cả năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1,21 triệu tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 10,6%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 10,5%; dịch vụ lữ hành tăng 42,9%; doanh thu dịch vụ khác tăng 8,3%.

Cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2024. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê TP HCM).

CPI tăng 3,24%

Theo báo cáo, CPI tháng 12 của TP HCM tăng 0,33% so với tháng trước. Bình quân quý IV/2024, CPI tăng 3,44% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2024, CPI bình quân của thành phố tăng 3,24%, với 10/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ có chỉ số giá tăng, riêng nhóm bưu chính viễn thống giảm 2,63%.

CPI bình quân năm 2024 so với bình quân năm 2023. (Nguồn: AM tổng hợp từ Cục Thống kê TP HCM).

Thu ngân sách vượt 500.000 tỷ đồng

Tổng thu ngân sách cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố năm 2024 ước đạt 508.553 tỷ đồng, vượt dự toán 5,3% và tăng 13,3% so với năm trước. Trong đó, thu nội địa vượt dự toán 6,9%, chiếm 70,2% tổng thu cân đối; thu dầu thô vượt dự toán 21,7%, chiếm 4,3% tổng thu cân đối; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 99,1% dự toán, chiếm 25,5% tổng thu cân đối. 

Thu ngân sách Nhà nước năm 2024 (đơn vị: tỷ đồng). (Nguồn: Cục Thống kê TP HCM).

Ở chiều ngược lại, tổng chi cân đối ngân sách địa phương trừ tạm ứng ước đạt 124.186 tỷ đồng, bằng 85,1% dự toán và tăng 52,2% so với năm 2023. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 85,4% dự toán, chi thường xuyên đạt 92,3% dự toán. 

Chi ngân sách địa phương năm 2024 (đơn vị: tỷ đồng). (Nguồn: Cục Thống kê TP HCM).

Dư nợ tín dụng tăng 10%

Về hoạt động tín dụng, ước tính đến ngày 31/12/2024, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM đạt 3,97 triệu tỷ đồng, tăng 12,0% so với năm trước. Trong đó, vốn huy động bằng VNĐ chiếm 89,2% tổng vốn huy động, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 10,8%.

Tổng dư nợ của các tổ chức tín dụng đến hết năm 2024 ước đạt đạt 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10,0% so với năm trước. Phân theo kỳ hạn tín dụng, dư nợ ngắn hạn ước đạt 1,84 triệu tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm trước và chiếm 47,1% tổng dư nợ tín dụng; dư nợ trung hạn, dài hạn ước đạt 2,06 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm trước và chiếm 52,9% tổng dư nợ.

Tổng vốn huy động và dư nợ tín dụng phân theo loại tiền tệ. (Nguồn: Cục Thống kê TP HCM).

Ngày 22/12/2024, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã chính thức được vận hành thương mại, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong hệ thống giao thông công cộng của TP HCM.

Bên cạnh đó, thành phố vẫn đang tăng tốc thực hiện nhiều công trình trên địa bàn như: tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương; các dự án thành phần 1, 2 đường Vành đai 3 TP HCM; hầm chui Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; nút giao An Phú; đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa;...

Cùng chuyên mục

Đọc thêm