Bất động sản

Vốn ngoại rót vào bất động sản nửa đầu năm 2023 giảm 43%

 

(Nguồn: Bộ KH&ĐT, H.L tổng hợp).

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 3,38% GDP của Việt Nam (cùng kỳ năm ngoái ngành này chiếm 3,32%).

Về nguồn vốn FDI, tính đến ngày 20/6, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 13,43 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục giữ vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước (3,15 tỷ USD). 

Cụ thể, về vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào bất động sản đạt 592,1 triệu USD (chiếm 6,3%). Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 938,6 triệu USD (chiếm 23,4%).

Lũy kế 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 10,02 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 502,1 triệu USD (chiếm 5%), giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 881,3 triệu USD).

(Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới là 2.179 doanh nghiệp, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng có thời hạn là 2.548 (tăng 51,5%) và số doanh nghiệp giải thể là 654 doanh nghiệp giải thể, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2022. Số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này quay trở lại hoạt động là 1.416, tăng 5% so với cùng kỳ.

Báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs) cho biết, các doanh nghiệp đầu tư, phát triển bất động sản trong thời gian vừa qua đồng loạt lâm vào trạng thái “ngộp thở”, mặc dù đã cố gắng loại bỏ dần các yếu tố làm giảm sức nặng. Nhưng vẫn không đủ sức để có thể ngoi lên.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các chuyên gia VARs cho rằng, doanh nghiệp hiện đang cần “liều thuốc” là dự án được phê duyệt sớm và cần tiền thật để phục hồi hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh hơn là được giãn, hoãn nợ.

Lãi suất duy trì ở mức cao từ cuối năm 2022, giảm nhẹ vào đầu năm nay nhưng vẫn ở ngưỡng cao đối với sức chịu đựng của doanh nghiệp. Áp lực lãi suất khiến sức khỏe các doanh nghiệp vốn đã yếu lại ngày càng suy giảm.

Theo VARs, bản thân doanh nghiệp hiện tại thiếu vốn để sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Trong khi, doanh thu sụt giảm nhưng vẫn phải gồng mình lên gánh nhiều khoản chi phí.

Việc huy động nguồn vốn từ ngân hàng không phải là đơn giản. Hầu hết các ngân hàng vẫn tiếp tục siết chặt các nguồn cho vay (đặc biệt là những doanh nghiệp nợ cũ rơi vào nhóm đối tượng cho giãn, hoãn) và mở rộng nhỏ giọt dư nợ cho vay đối với các giao dịch bất động sản. Kênh huy động vốn qua trái phiếu bị kiểm soát, lãi suất tăng cao gây áp lực lớn cho người mua nhà và chủ đầu tư.

"Chúng tôi cho rằng các khó khăn này đến cuối năm 2023 mà không được giải quyết thì khoảng 50% doanh nghiệp bất động sản trên cả nước sẽ rơi vào tình trạng "hôn mê", không thể hồi phục được nữa và đây là vấn đề cực kỳ nguy hiểm", ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs nhận định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm