Theo báo cáo vĩ mô của Công ty Chứng khoán VNDirect, các chuyên gia kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ không vội thắt chặt chính sách tiền tệ ngay lập tức mà sẽ chỉ diễn ra vào cuối quý III hoặc quý IV. Mức tăng (nếu có) cũng sẽ hạn chế, khoảng 0,25 - 0,5%.
Ngoài ra, VNDirect cũng dự báo rằng NHNN sẽ duy trì ở mức khoảng 14% so với cùng kỳ và nâng trần tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) đối với một số ngân hàng thương mại (NHTM) từ cuối quý III/2022.
Các chuyên gia cho rằng NHNN sẽ nỗ lực duy trì chính sách tiền tệ phù hợp, không vội vàng thắt chặt chính sách ngay lập tức đễ hỗ trợ phục hồi kinh tế và ổn định thị trường tài chính. Nguyên nhân là áp lực lạm phát dự kiến sẽ gia tâng trong các tháng tới, chỉ số giá tiêu dùng bình quân nửa đầu năm 2022 ở mức 2,4% so với cùng kỳ, vẫn thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ là 4% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, NHNN vẫn ưu tiên mục tiêu duy trì lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi. Mọi thắt chặt tiền tệ sẽ chỉ diễn ra vào cuối quý III/2022 hoặc quý IV/2022 và mức tăng (nếu có) sẽ hạn chế, khoảng 0,25-0,5%.
Lãi suất huy động ước tăng 0,3 - 0,5 điểm % nửa cuối năm
Về lãi suất huy động, các chuyên gia kỳ vọng đà tăng lãi suất sẽ chậm lại trong quý III/2022 so nhu cầu vốn thấp bởi nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng, nhưng có thể sẽ tăng trở lại trong quý IV/2022 sau khi NHNN nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các NHTM.
VNDirect kỳ vọng lãi suất huy động sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong nửa cuối năm 2022. Các chuyên gia cho rằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên 6,0-6,2%/năm vào cuối năm 2022 (hiện là 5,7%/năm), vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.
Tính tới ngày 1/7/2022, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng của các ngân hàng quốc doanh không đổi so với mức cuối năm 2021, trong khi lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng nhích tăng 4 điểm cơ bản.
Đối với các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng và kỳ hạn 12 tháng lần lượt tăng 27 điểm cơ bản và 26 điểm cơ bản so với mức cuối năm 2021.
Về lãi suất cho vay, NHNN đang triển khai gói bù lãi suất với tổng quy mô 43.000 tỷ đồng. NHNN đưa ra mức lãi suất cho vay chỉ 3-4%/năm đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19, bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tham gia một số các dự án trọng điểm quốc gia, và kinh doanh trong một số ngành nhất định như du lịch, hàng không, giao thông vận tải.
Các chuyên của VNDirect kỳ vọng rằng gói bù lãi suất này có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình 20-40 điểm cơ bản vào năm 2022.
Tuy nhiên, tác động thực tế của gói bù lãi suất đối với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể giảm bớt nếu các NHTM tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.
Xu hướng tăng tỷ giá chậm lại vào nửa cuối năm
Xu hướng tăng của tỷ giá USD/VND cũng được dự báo sẽ chậm lại vào nửa cuối năm 2022. Theo các chuyên gia, một số yếu tố hỗ trợ tiền đồng trong nửa cuối năm 2022, bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại được cải thiện (dự báo đạt khoảng 7,2 tỷ USD vào năm 2022), thặng dư cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối cao (tương đương 3,5-4,0 tháng nhập khẩu).
"Tỷ giá USD/VND sẽ duy trì trong khoảng 22.900 – 23.300 vào cuối năm 2022, tương ứng với mức tăng không quá 2% so với cuối năm 2021", VNDirect dự báo.