Tại kỳ cơ cấu danh mục chỉ số VNDiamond công bố tháng 4, không ngoài dự báo của nhiều chuyên gia, MWG của Thế Giới Di Động đã bị loại. Ngược lại, BMP của Nhựa Bình Minh được thêm mới. Tổng số cổ phiếu thành phần giữ nguyên 18 mã.
Việc loại MWG với tỷ trọng lớn thứ hai danh mục gây biến động đáng kể cho danh mục chỉ số. Tuy nhiên, ngược lại, việc tăng tỷ trọng các cổ phiếu thành phần khác cũng cho thấy sức hút các doanh nghiệp thuộc rổ chỉ số “kim cương”.
Loại MWG, giảm tỷ trọng nhiều mã ngân hàng
Theo dữ liệu DCVFM VNDiamond ETF (Mã: FUEVFVND) công bố, đến ngày 26/4, MWG chiếm 16,74% danh mục Diamond, không quá cách biệt so với FPT ở vị trí dẫn đầu (17,12%). Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về PNJ (10,91%), GMD (9,16%), rồi đến nhóm cổ phiếu ngân hàng TCB, ACB, MBB, VPB...
Theo đó, chỉ số sẽ cần loại toàn bộ MWG với tỷ trọng 16,74% danh mục. MWG đã giảm sức hấp dẫn với khối ngoại trong nhiều tháng nay, khi gặp áp lực bán ròng từ nhà đầu tư nướ ngoài, không loại trừ cả nhóm ETF ngoại.
Kết quả kinh doanh năm 2023 của chủ sở hữu chuỗi Bách Hóa Xanh không đạt kỳ vọng trước sức mua yếu, khiến lợi nhuận thấp nhất kể từ khi niêm yết, đẩy P/E của MWG lên cao, đồng thời khiến mã này bị loại ra khỏi VNDiamond.Ngoài việc loại toàn bộ MWG, danh mục tiêu cơ cấu, theo tính toán đến ngày 10/5, chỉ số còn dự kiến giảm 0-2 điểm % sở hữu tại CTG, FPT, MBB, MSB, TPB, VIB, VPB.
Tăng tỷ trọng GMD, PNJ
Chiều ngược lại, BMP được bổ sung vào danh mục chỉ số mục tiêu với tỷ trọng 0,37%, thấp nhất trong 18 mã. Theo báo cáo trước đó của Chứng khoán BIDV (BSC), BMP đã thỏa mãn các tiêu chí và nằm trong top 8 công ty ngoài ngành tài chính sắp xếp theo tỷ lệ FOL từ cao xuống thấp.
Đồng thời, VNDiamond tăng tỷ trọng danh mục tại các mã GMD, PNJ, REE, VRE HDB, ACB, NLG, KDH và TCB. Trong đó, mức tăng đáng kể nhất thuộc về GMD và PNJ.
Tỷ trọng của cổ phiếu PNJ tăng từ 10,91% tại cuối tháng 4 lên 14,17%, thay MWG giữ vị trí top 2 danh mục (sau FPT với 16,22%).
Cũng thuộc lĩnh vực bán lẻ, nhưng Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (Mã: PNJ) vẫn giữ được đà tăng trưởng lợi nhuận. Doanh thu 2023 giảm 2% so với 2022, song lãi sau thuế vẫn tăng gần 9% lên mức kỷ lục 1.971 tỷ đồng, nhờ chuyển dịch cơ cấu dòng hàng để cải thiện biên lợi nhuận. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2023 được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua là 20% (đã chi tạm ứng đợt 1 tỷ lệ 6%).
Chủ tịch Hội đồng quản trị PNJ Cao Thị Ngọc Dung cho biết định hướng năm 2024, PNJ sẽ bổ sung thêm yếu tố phát triển kinh doanh mới, mở thêm các cửa hàng ở các khu vực mới để thu hút khách hàng mới ở các vùng sâu hơn, dù vậy vẫn phải tối ưu hiệu quả trên từng m2. Năm qua công ty đã mở thêm được 48 cửa hàng, nâng tổng số lên 400 vào cuối 2023. Trong 2 tháng đầu năm nay, công ty tiếp tục mở thêm hai cửa hàng.
Gemadept (Mã: GMD) cũng có kết quả kinh doanh 2023 khả quan. Doanh thu đi ngang đạt hơn 3.800 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế gấp đôi lên trên 2.500 tỷ đồng.
Báo cáo thường niên 2023 của doanh nghiệp đầu ngành vận tải biển cho biết riêng lợi nhuận từ hoạt động logistics ghi nhận tăng trưởng hai chữ số. Tỷ trọng đóng góp của hoạt động kinh doanh cốt lõi là khai thác cảng và logistics lần lượt là 73% và 27% trong tổng lợi nhuận.
Năm 2024, Gemadept dự định sẽ triển khai các dự án đầu tư xây dựng cảng, logistics quan trọng đã phê duyệt, đặc biệt là dự án Nam Đình Vũ 3 và Gemalink 2.
Tỷ trọng của cổ phiếu GMD trong rổ VNDiamond tăng từ 9,16% tại 26/4 lên gần 14% tính đến ngày 10/5. Tính chung, tổng tỷ trọng của 3 mã FPT, PNJ và GMD chiếm 44,38% danh mục chỉ số.
FUEVFVND là ETF có quy mô lớn thứ hai thị trường chứng khoán Việt Nam, với giá trị tài sản ròng tại ngày 9/5 đạt 14.092 tỷ đồng (sau Fubon FTSE ETF với hơn 21.000 tỷ đồng). FUEVFVND có quy mô lớn nhất trong số các ETF tham chiếu chỉ số VNDiamond. Tính đến 30/4, quỹ này còn đang nắm giữ 34,4 triệu cp MWG.
Các ETF duy trì đà rút vốn
Theo báo cáo chiến lược tháng 5 của SSI Research, các ETF tiếp tục chịu sức ép rút vốn mạnh trong tháng 4 với tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng và ghi nhận là tháng rút ròng thứ 5 liên tiếp.
Tính từ đầu năm, dòng tiền rút 10.580 tỷ đồng ra khỏi các ETF, chiếm 13% tổng tài sản quỹ. Như vậy, tổng tài sản các quỹ ETF giảm về chỉ còn 70.000 tỷ đồng, so với mức đỉnh hồi tháng 8/2023 là 89.000 tỷ đồng.
Xu hướng rút ròng duy trì ở hầu hết các quỹ ETF lớn, kể đến là các quỹ DCVFM VNDiamond (-1.800 tỷ đồng), SSIAM VNFINLead (-560 tỷ đồng), iShares Frontier and Select EM (-634 tỷ đồng), Xtrackers FTSE Vietnam (-408 tỷ đồng), và DCVFM VN30 (-181 tỷ đồng) đều bị rút ròng trong nhiều tháng liên tiếp.
Tín hiệu tích cực xuất hiện ở một số ít quỹ như KIM Growth VN30 (+177 tỷ đồng), KIM Kindex (+148 tỷ đồng) và Fubon (+54 tỷ đồng) ghi nhận dòng vốn đảo chiều vào ròng trong tháng 4.
Theo các chuyên gia phân tích, dòng vốn vào các ETF của Việt Nam khó có sự bứt phá với ba yếu tố chính. Thứ nhất là hạn chế về số lượng các quỹ ETF với chiến lược đầu tư đa dạng và Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên để có thể thu hút dòng tiền từ các quỹ đầu tư nước ngoài