VN-Index vừa trải qua một tuần giao dịch đi ngang với biên độ thấp, cùng chuỗi ngày giằng co, tạm dứt đà tăng điểm trước đó ở mốc kháng cự quanh 1.060-1.065 điểm.
Theo Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), trạng thái phân hóa xuất hiện trên hầu hết nhóm ngành khi thị trường chung tiệm cận vùng kháng cự khiến đà tăng của VN-Index có dấu hiệu suy yếu ngay từ những phiên đầu tuần. Bên cạnh đó, thanh khoản sụt giảm cũng cho thấy nhà đầu tư chưa sẵn sàng tham gia lại thị trường khiến chỉ số không có động lực để vươn lên các vùng điểm cao phía trên.
Kết tuần, VN-Index tăng 8,73 điểm (0,83%) so với tuần trước lên 1,060.17 điểm. Hai nhóm cổ phiếu có mức tăng tốt nhất là dầu khí và chứng khoán với mức tăng lần lượt là 4,84% và 3,22%.
Trái với trạng thái giằng co của thị trường chung, kênh giao dịch thỏa thuận ghi nhận một loạt giao dịch lớn.
Giá trị giao dịch phiên cuối tuần (13/1) tăng 3.500 tỷ đồng so với phiên trước một phần nhờ giao dịch thỏa thuận đột biến ở cổ phiếu EIB. Trong một tiếng cuối phiên chiều 13/1, gần 133 triệu cổ phiếu EIB được giao dịch thành công, tương đương khoảng 10,7% cổ phần đang niêm yết của nhà băng này, với giá trị hơn 3.400 tỷ đồng.
Trước đó, hơn 65 triệu cổ phiếu LPB của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt được sang tay thỏa thuận với giá trị gần 1.000 tỷ đồng trong gần nửa tiếng cuối phiên chiều 12/1.
Tuần qua, sự chú ý của thị trường hướng tới một số thông tin vĩ mô. So với cùng kỳ, lạm phát Mỹ tăng 6,5% cũng là mức tăng nhất tính từ tháng 10/2021. Xu hướng tăng giá của các nhóm hàng hóa vẫn đang tiếp diễn và hàm ý Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục lộ trình tăng lãi suất dù tốc độ tăng đã chậm lại.
Diễn biến này cùng với việc Ngân hàng Nhà nước liên tục gia tăng dự trữ ngoại hối trong tuần qua được xem là tín hiệu tích cực.
"Việc mua vào ngoại tệ tiếp tục thể hiện khả năng can thiệp linh hoạt của nhà điều hành. Đồng thời, mức giảm giá tương đối thấp của VND so với USD trong tương quan khu vực cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư", nhóm phân tích VCBS đánh giá.
Theo đó, trong ngắn hạn, thanh khoản tiền đồng có thể tiếp tục được cải thiện đáng kể đi cùng với khả năng kéo giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. Với giả định dòng vốn đầu tư tiếp tục duy trì trên thị trường trong và sau Tết, theo VCBS, Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều kiện thuận lợi để không tăng lãi suất điều hành hoặc thậm chí kéo giảm mặt bằng lãi suất.