Đại diện VinHMS cho biết thị trường khách sạn khu vực đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Theo dữ liệu từ Statista, kết thúc năm 2023, ngành này đã vượt quy mô của thời kỳ đỉnh cao năm 2019. Ước tính giai đoạn 2024-2027, mức tăng trưởng đều đặn khoảng 4% mỗi năm để chạm mốc gần 16 tỷ USD trong năm 2028. Điều này mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch và quản trị khách.
Trước bối cảnh này, VinHMS hướng đến thị trường Đông Nam Á với bốn điểm đến đầu tiên là Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Singapore. Nói về tầm nhìn này, ông Hoàng Nguyễn, CEO VinHMS cho biết đơn vị giúp các doanh nghiệp ngành du lịch, khách sạn tháo gỡ rào cản trong vận hành. Theo ông, dù có nhiều doanh nghiệp địa phương hoạt động tốt với thị trường trong nước nhưng họ thiếu góc nhìn và khả năng mở rộng ra thị trường quốc tế. Mặt khác, các nhà cung cấp toàn cầu có thể cung cấp sản phẩm và dịch vụ của họ ở cấp độ quốc tế nhưng thiếu nội địa hóa. "Chúng tôi ở đây để thu hẹp khoảng cách đó", ông nhấn mạnh.
Ông Hoàng Nguyễn cho biết VinHMS đã vạch sẵn các chiến lược cụ thể dựa trên hai nguyên tắc chính là mở và chuẩn hóa, từ đó phát triển sản phẩm tối ưu cho các thị trường Đông Nam Á. Đại diện doanh nghiệp cho biết thêm, bước đầu sẽ phát triển đội ngũ dựa trên những kết quả ở Việt Nam. Sau đó công ty sẽ phát triển đội ngũ với nhân viên địa phương để dễ dàng tiếp cận và mở rộng quy mô hợp tác với đối tác địa phương. Đội ngũ nhân viên tại địa phương sẽ được đào tạo về sản phẩm, hỗ trợ khi bán dịch vụ.
Bộ giải pháp từ đơn vị bao gồm CiHMS, CiAMS, CiTMS và CiTravel, cung cấp các giải pháp có tính đồng bộ all-in-one (tất cả trong một) từ lúc đặt cho đến trả phòng. Đại diện đơn vị cho biết, điều này giúp doanh nghiệp chuyển đổi cách vận hành, tăng doanh thu và trải nghiệm khách hàng.
VinHMS có thể kết nối với nhiều giải pháp khác để mở rộng quy mô và tính năng. Công nghệ mở giúp giải pháp đáp ứng nhu cầu bản địa hóa của những thị trường khác nhau, từ việc tích hợp với VNPT để xuất hóa đơn điện tử theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam đến kết nối cổng thanh toán nội địa ở Campuchia (ABA), Thái Lan (OPN). Qua đó, chủ khách sạn và du khách ở mỗi thị trường sẽ có những trải nghiệm đặc thù theo quy trình và chi phí tối ưu nhất.
Giải pháp công nghệ tự động hóa vận hành cung cấp tính năng đặt chỗ trực tiếp hoặc gói bán hàng có thể tùy chỉnh, hỗ trợ nhà quản lý tiết kiệm thời gian. VinHMS cũng cung cấp nhiều phân hệ nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí hoạt động đến 50%. Đơn cử, cổng thông tin dành cho đại lý du lịch (PTA) giảm số lượng nhân sự hỗ trợ; hệ thống quản lý tập trung F&B (PCM) hạn chế tình trạng lãng phí thực phẩm tại các nhà hàng phục vụ bữa sáng.
Ông Việt Đặng, Giám đốc Công nghệ thông tin tại Melia Hotels International (MHI) cho biết đã tích hợp hệ thống quản lý đặt phòng tập trung tại 13 khách sạn của Melia. Quá trình triển khai chưa đầy một năm, mang lại nhiều hiệu quả tích cực ngay sau khi chuyển đổi.
"Hệ sinh thái của MHI rất đa dạng với nhiều ứng dụng và chức năng, tuy nhiên cho đến nay chúng tôi vẫn chưa gặp trở ngại nào trong việc tích hợp với CiHMS", ông Việt Đặng đánh giá.
Nói về quá trình nghiên cứu sản phẩm, ông Hoàng Nguyễn, Tổng giám đốc VinHMS cho biết đơn vị không cố gắng xây dựng giải pháp phần mềm quản lý khách sạn mới. Thay vào đó, công ty kỳ vọng cung cấp nền tảng mở để các khách sạn thêm sáng tạo trong kinh doanh. Khi sử dụng thực tế, chủ sở hữu khách sạn và đối tác cho biết, giải pháp công nghệ tự động hóa vận hành của VinHMS giúp tăng doanh thu theo nhiều cách như đặt chỗ trực tiếp hoặc gói bán hàng có thể tùy chỉnh. Bên cạnh đó, chi phí vận hành dễ tiếp cận với nhiều đơn vị.
Ông Đặng Đức Trường, Giám đốc vận hành, Vinpearl Resort Nha Trang nói, ban đầu đơn vị đặt ra rất nhiều câu hỏi khi sử dụng sản phẩm của VinHMS thay thế cho một hệ thống khác. Tuy nhiên, khi chuyển đổi, đơn vị nhận nhiều phản hồi và đánh giá tích cực từ những người trực tiếp sử dụng sản phẩm như quản lý điều hành, nhân viên vận hành khách sạn. Phần mềm mang đến sự tiện lợi, chạy trên nền tảng website và mọi thiết bị di động, không hạn chế truy cập. Vì vậy nhân viên có thể linh hoạt sử dụng hệ thống khi dùng mạng ngoài, giao diện thuận tiện, dễ sử dụng cho cả người lần đầu tiếp xúc.
"Cải tiến sản phẩm là một chu trình không bao giờ kết thúc. Chúng tôi sẽ luôn lắng nghe khách hàng, đối tác để tìm hiểu nhu cầu cũng như những thách thức họ phải đối mặt, qua đó phát triển sản phẩm với những tính năng phù hợp với từng thị trường địa phương", ông Hoàng Nguyễn nói.