Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiếp tục khẳng định vai trò là kênh dẫn vốn hiệu quả cho nền kinh tế, bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều thách thức, khó khăn.
“Hoạt động huy động vốn qua thị trường chứng khoán năm 2023 khởi sắc với tổng giá trị huy động 418.271 tỷ đồng, tăng 33,5% so với năm 2022”, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương thông tin.
Tính trong một thập kỷ gần nhất (2014-2023), thị trường chứng khoán thực hiện huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế đạt 3,8 triệu tỷ đồng, bình quân mỗi năm đạt 380.000 tỷ đồng, tăng gấp 4,35 lần so với giai đoạn trước.
Riêng khối doanh nghiệp đã huy động được 1,15 triệu tỷ, tăng gấp 3,15 lần so với giai đoạn trước. Thị trường đã tạo ra nguồn vốn cần thiết phục vụ hoạt động đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời thúc đẩy quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Một trong những doanh nghiệp tham gia tích cực trên thị trường vốn phải kể đến tập đoàn Vingroup. Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Quang nói thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn không thể thiếu, đang trở nên phổ biến và hiệu quả tại Việt Nam.
Việc huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu hỗ trợ đáng kể cho sự phát triển của các doanh nghiệp, thông qua những khoản vốn kịp thời, đúng thời điểm và với chi phí hợp lý.
"Vingroup đã tham gia TTCK Việt Nam từ rất sớm, sự phát triển của Vingroup ngày hôm nay luôn có sự đồng hành của các kênh huy động vốn đa dạng, trong đó có TTCK đóng vai trò rất lớn", ông Quang chia sẻ.
Hệ sinh thái này có 3 doanh nghiệp đang niêm yết là Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC), Vinhomes (Mã: VHM) và Vincom Retail (Mã: VRE) trên Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE), với tổng giá trị vốn hóa thị trường khoảng 419.000 tỷ đồng (17 tỷ USD).
Nhóm doanh nghiệp đã thực hiện huy động vốn trên thị trường thông qua các hình thức như phát hành cổ phiếu riêng lẻ và ra công chúng, phát hành trái phiếu riêng lẻ và ra công chúng, qua đó tìm được những nhà đầu tư và cổ đông chiến lược để hỗ trợ hoạt động chung.
Thực tế, theo bản tin nhà đầu tư mới nhất của Vingroup, tập đoàn này đã huy động khoảng 5,5 tỷ USD thông qua các giao dịch vốn cổ phần trong 4 năm gần nhất (tính đến tháng 9/2023).
Trong báo cáo cập nhật gần đây, Chứng khoán Vietcap dẫn thông tin lãnh đạo Vingroup chia sẻ với nhà đầu tư rằng đã huy động khoảng 78.000 tỷ đồng trong năm 2023, tương đương hơn 3,25 tỷ USD (không tính các khoản vay hạn mức tín dụng).
Con số này bao gồm 239 triệu USD của VinFast thu được từ SPAC và khoản đầu tư từ Gotion Inc., khoản tài trợ từ tỷ phú Phạm Nhật Vượng khoảng 20.600 tỷ đồng, phát hành mới 15.400 tỷ đồng trái phiếu trong nước và 250 triệu USD trái phiếu hoán đổi, cùng các khoản vay.
Ban lãnh đạo tập đoàn nói sẽ tiếp tục tìm kiếm các phương án huy động vốn khác nhau, bao gồm thị trường trong nước, huy động khoản vay quốc tế, thị trường vốn quốc tế (đặc biệt là thị trường Mỹ đối với VinFast), khoản tài trợ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và cơ cấu lại một số tài sản.
Hay trong năm 2022, Vingroup đã huy động gần 1,1 tỷ USD từ thị trường vốn quốc tế. Các con số nổi bật như trái phiếu quốc tế mệnh giá 625 triệu USD có thể hoán đổi thành cổ phần VinFast hay ADB thu xếp gói tài chính chống biến đổi khí hậu trị giá 135 triệu USD cho VinFast.
Tháng 9/2021, Vinpearl – công ty thành viên của tập đoàn trong lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng - đã phát hành thành công 425 triệu USD trái phiếu bền vững. Vingroup cuối năm 2021 huy động khoản vay hợp vốn xanh 400 triệu USD, nhằm phát triển VinFast và các công ty thành viên.
Trong một bản tin nhà đầu tư trước đây, Vingroup cho biết đã thực hiện 17 giao dịch huy động vốn trong giai đoạn 2013-2019 với tổng số tiền thu về đến 7,6 tỷ USD (bao gồm cả vốn vay và vốn cổ phần).
Thương vụ đầu tiên là nhóm nhà đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu rót 200 triệu USD vào Vincom Retail và sau đó rót tiếp 100 triệu USD vào tháng 6/2015. Vingroup có 3 đợt vay hợp vốn quốc tế/phát hành trái phiếu trị giá 650 triệu USD giai đoạn 2013-2016.
Quá trình huy động vốn diễn ra mạnh mẽ nhất thời kỳ này là năm 2018, với số tiền huy động được lên đến 4,4 tỷ USD, chủ yếu đến từ Vinhomes và Vinfast.
Chẳng hạn, Quỹ đầu tư GIC của Chính phủ Singapore rót 853 triệu USD để trở thành cổ đông chiến lược tại Vinhomes và sau đó là thương vụ IPO trị giá 1,35 tỷ USD của nhà phát triển bất động sản này. VinFast huy động thành công 2 khoản vay quốc tế trị giá lần lượt là 400 triệu USD và 950 triệu USD.
Hai thương vụ lớn còn lại trong năm 2018 gồm có Hanwha rót 400 triệu USD mua cổ phiếu ưu đãi của Vingroup và Vinpearl phát hành 450 triệu USD trái phiếu có thể hoán đổi thành cổ phiếu phổ thông của Vingroup.
Số tiền huy động được trong 9 tháng đầu năm 2019 cũng đạt gần 2 tỷ USD. Con số này đến từ SK Group chi 1 tỷ USD mua cổ phiếu Vingroup, GIC chi 500 triệu USD mau cổ phiếu VCM (công ty mẹ của Vincommerce) và khoản vay quốc tế 360 triệu USD của Vinmec.