Mở rộng tập khách hàng thông qua việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm và các chiến dịch marketing bắt kịp xu thế nhằm tăng tương tác, kích thích hành vi mua sắm.
Việc đổ tiền vào các hoạt động tương tác, khuyến mãi sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao độ nhận diện với khách hàng, từ đó giúp gia tăng thị phần.
Trong năm 2023, hầu hết các công ty đồ uống và thực phẩm đều ghi nhận chi phí bán hàng tăng lên so với năm 2022.
Sabeco liên tục đổ tiền vào marketing để giành thị phần
Năm 2023, Sabeco, chủ sở hữu thương hiệu Bia Sài Gòn đã dành 2.814 tỷ đồng cho chi phí quảng cáo, khuyến mãi, chiếm khoảng 9,2% doanh thu thuần. Mặc dù doanh thu Sabeco giảm 13% nhưng chi phí quảng cáo và khuyến mãi năm qua chỉ giảm 1% so với năm 2022 do Sabeco phải bảo vệ thị phần trước sự cạnh tranh gay gắt.
Hoạt động quảng cáo của Sabeco thực hiện với nhiều hình thức như clip quảng cáo trên các kênh truyền hình, quảng cáo ngoài trời thông qua các biển quảng cáo, bật lon trúng thưởng, hay tài trợ cho các chương trình hoạt động thể dục thể thao, sự kiện âm nhạc,....
Sabeco chính thức trở thành đối tác hàng đầu và độc quyền của đội tuyển bóng đá quốc gia, bao gồm đội tuyển bóng đá nam, đội tuyển bóng đá nữ và đội tuyển U23 trong 3 năm, giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 7/2025.
Trong bối cảnh kinh tế suy giảm và lo ngại siết chặt quy định không uống rượu bia khi lái xe là những nguyên nhân chính khiến tiêu thụ bia giảm. Sản lượng năm 2023 của Sabeco cũng giảm, nhưng doanh thu được bù đắp một phần nhờ mức tăng giá bán trung bình (ở mức thấp một chữ số). Theo ban lãnh đạo, Sabeco đã tăng được thị phần ở phân khúc phổ thông và cận cao cấp.
Báo cáo của SSI Research dẫn lời Giám đốc điều hành của Sabeco cho biết chi phí quảng cáo, khuyến mãi dự kiến sẽ thấp hơn nhờ việc theo dõi tỷ suất sinh lời (ROI) cho từng chiến dịch sát sao hơn và từ đó loại bỏ các hoạt động không hiệu quả.
Ban lãnh đạo Sabeco cũng chia sẻ thêm, việc quản lý chi phí và giá vốn tốt hơn là những động lực chính giúp tăng biên lợi nhuận gộp trong năm 2024.
Vinamilk mạnh tay rót tiền để thay "áo mới"
CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk - Mã: VNM) - doanh nghiệp đứng đầu thị phần ngành sữa. Vinamilk dẫn đầu phân khúc phổ thông và đang thâm nhập vào các phân khúc cao cấp.
Năm qua, ông lớn số 1 ngành sữa đã chi 1.329 tỷ đồng cho chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường và 9.005 tỷ đồng cho chi phí dịch vụ khuyến mãi, trưng bày, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng; tăng lần lượt gần 9% và 4% so với năm 2022.
Tổng các chi phí quảng cáo, nghiên cứu thị trường và khuyến mãi, hỗ trợ bán hàng,... chiếm hơn 17% doanh thu thuần. Thống kê cho thấy Vinamilk luôn duy trì tỷ lệ này quanh ngưỡng 19% trong nhiều năm và chỉ hạ xuống ngưỡng 16,5 - 17% trong các năm đại dịch.
2023 có thể nói là một năm bước ngoặt của Vinamilk khi chính thức thay đổi bộ nhận diện thương hiệu để tái định vị nhằm "đánh dấu bước đầu tiên để hiện đại hóa trải nghiệm và tạo đà bứt tốc trong tương lai" theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Vinamilk.
Sau khi giới thiệu bao bì mới cho sản phẩm sữa nước trong quý III/2023, Vinamilk đã triển khai hàng loạt chiến dịch marketing trong quý IV để lan toả bộ nhận diện thương hiệu mới.
Dữ liệu từ AC Nielsen và báo cáo tài chính của công ty cho thấy Vinamilk đã giành thêm thị phần trong hai quý cuối năm. Vinamilk cho biết đã tăng được 280 điểm cơ bản thị phần mảng sữa nước sau khi giới thiệu bao bì mới. Sữa chua và sữa bột trẻ em là các sản phẩm quan trọng tiếp theo Vinamilk nhắm tới trong việc tăng thị phần.
Vào bất kể một cửa hàng tạp hoá hay siêu thị nào không khó để người tiêu dùng bắt gặp nhiều sản phẩm của CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) từ mì tôm, nước mắm, tương ớt, bia, cà phê,... tới thịt tươi sống.
Với dải sản phẩm đa dạng thuộc nhóm hàng thiết yếu, năm qua, Masan chi tới 4.493 tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mãi, tăng 53% so với năm 2022 và là con số cao kỷ lục từ trước tới nay. Năm 2023, tỷ lệ chi phí quảng cáo, khuyến mãi trên doanh thu tăng vọt lên hơn 5,7% so với mức gần 3,9% của năm 2022.
Theo báo cáo của SSI Research công bố cuối tháng 2, trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, Masan Consumer và chuỗi bán lẻ Vincommerce cho biết người tiêu dùng năm qua đã chuyển sang tiêu dùng tại nhà và tìm mua các mặt hàng thiết yếu hàng ngày với mức giá được chiết khấu và khuyến mại và mua hàng với số lượng lớn (kích thước đóng gói lớn hơn) để có giá tốt hơn.
Masan từng nhận định thị trường thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam ngày càng cạnh tranh khốc liệt hơn khi có nhiều thương hiệu và công ty thực phẩm quốc tế thâm nhập vào thị trường. Sức ép cạnh tranh khiến cho các đối thủ phải gia tăng đáng kể chi phí dành cho quảng cáo và các hoạt động khuyến mãi, hoặc thậm chí là phá giá để cạnh tranh.
Do đó, tập đoàn buộc phải đầu tư nhiều hơn vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, cũng như khuyến mãi và marketing.