VinaCapital chỉ ra hai điểm khác biệt giữa của thị trường bất động sản Việt Nam và Trung Quốc
Về vĩ mô, ông Andy Ho, Tổng giám đốc Hội đồng Đầu tư của VinaCapital đánh giá sau chuyến thăm của Tổng Thống Mỹ - ông Joe Biden, việc hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Mỹ sẽ có tác động rất lớn về lâu dài đến kinh tế trong nước. Dự kiến Mỹ sẽ tăng rót vốn FDI vào Việt Nam.
Thứ hai, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc nổ ra, Việt Nam đã được hưởng lợi không nhỏ về xuất khẩu, cụ thể Trung Quốc giảm khoảng 13% trong khi Việt Nam tăng trưởng 7% giai đoạn 2018 - 2022. Các nước khác trong khu vực Đông Nam Á ghi nhận mức tăng thấp hơn so với Việt Nam.
Năm 2023, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm xấp xỉ 4,2 - 4,3%. VinaCapital dự báo con số tăng trưởng cả năm sẽ rơi vào mức 4,5 - 5%. Khó khăn nhất của năm nay là việc hàng tồn kho của Mỹ cao, giảm nhập khẩu từ đầu năm. Tuy vậy, mức tồn kho đã giảm dần và phía Mỹ đã bắt đầu đặt hàng Việt Nam sản xuất trở lại. Kỳ vọng diễn biến này sẽ tiếp tục khởi sắc, nhất là vào dịp cuối năm, lễ Giáng sinh ở Mỹ.
Trong nước, Việt Nam đã liên tục có những chính sách hỗ trợ nền kinh tế như bất động sản, trái phiếu. Đánh giá về thị trường bất động, ông Andy Ho cho rằng Việt Nam không như Trung Quốc bởi hai điểm. Tỷ trọng bất động sản trong GDP của Trung Quốc đạt tới 20% là mức rất cao và rủi ro.Số lượng nhà trống tại Trung Quốc rất lớn, thường gọi là “nhà ma, thành phố ma”, trong khi ở số lượng nhà tại Việt Nam vẫn thấp và nhu cầu cao.
Một trong những lĩnh vực đóng góp không nhỏ vào GDP là du lịch, song chỉ mới phục hồi khoảng 70% so với trước dịch COVID-19. Nhà lãnh đạo của VinaCapital kỳ vọng ngành du lịch Việt Nam sẽ tiếp tục phục hồi cho đến 2024 và dự báo GDP sẽ tăng trưởng 6 - 7%.
Khía cạnh tỷ giá, Việt Nam Đồng mất giá khoảng 2 - 3% mỗi năm. Năm 2022, một khó khăn là đồng USD tăng rất cao, chỉ số DXY có lúc tăng lên 112. Cùng với xuất khẩu nhiều hơn, Việt Nam tăng lãi suất dẫn đến tỷ giá vẫn ổn định. Về lãi suất, Việt Nam đi ngược nhiều khu vực trên thế giới khi hạ lãi suất trong những tháng qua.
Đại diện của VinaCapital nhận định, khi lãi suất huy động hạ xuống còn 5 - 6% như hiện tại, NĐT hướng đến những kênh đầu tư khác bao gồm chứng khoán và bất động sản. Thực tế thị trường chứng khoán vừa qua đã ghi nhận thanh khoản đã vượt 1 tỷ USD.
4 chủ đề đầu tư đáng quan tâm năm 2024
Đi sâu hơn vào thị trường chứng khoán, bà Nguyễn Hoài thu, Tổng giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư Chứng khoán cho biết chứng khoán đã tăng 3 trong 4 năm gần đây (ngoại trừ 2022). Từ đầu năm đến nay, VN-Index cũng đã tăng trưởng khoảng 15%, cao nhất trên 20% vào tháng 8.
Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được cho là hấp dẫn, tính theo mặt bằng trung bình 5 năm và 10 năm. So với các thị trường trong khu vực ASEAN vẫn ở mức rẻ.
Tuy nhiên, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ gặp khó khăn trong năm nay do bối cảnh nền kinh tế. VinaCapital dự báo con số tăng trưởng lợi nhuận năm nay chỉ ở mức 0,6%. Các lĩnh vực ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả này gồm bất động sản, bán lẻ, nguyên vật liệu. Sự tăng trưởng của một số lĩnh vực như ngân hàng, IT, dược phẩm... chỉ đù bù đắp sự đi xuống của các ngành trên.
Năm 2024, đội ngũ phân tích của VinaCapital dự báo sẽ có sự hồi phục khả quan cho hầu hết các ngành nghề, dao động từ 9 - 56%. Tổng thể, con số tăng trưởng sẽ vào mức 25%. Nhà quản lý quỹ hàng đầu thị trường này cũng đưa ra 4 chủ đề đầu tư đáng quan tâm trong năm tới.
Thứ nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin (IT), khi được hưởng nhiều yếu tố, bao gồm xu hướng chuyển đổi số trên toàn thế giới. Thứ hai là nhóm ngành được hưởng lợi từ xu hướng lãi suất thấp như hiện nay, kể đến như ngân hàng, chứng khoán, khu công nghiệp. Một chủ đề khác là phục hồi nền kinh tế, bao gồm các ngành bán lẻ, cảng. Ngoài ra, ngành dầu khí cũng được nhắc đến khi Việt Nam đang triển khai đại dự án Lô B - Ô Môn.
Đối với dòng tiền ngoại, VinaCapital cho hay khối ngoại thường quan tâm đến các nhóm lĩnh vực năng lượng xanh, công nghệ, chip, công nghệ cao, y tế.
Đề cập đến yếu tố rủi ro, bà Thu chỉ ra bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn bất định, chưa chắc chắn mọi thứ xấu nhất đã qua. Fed vẫn có thể duy trì chính sách lãi suất cao kéo dài hơn dự kiến. Ngoài ra, các rủi ro địa chính trị luôn là nỗi lo của TTCK cũng như nền kinh tế.
Trong nước, VinaCapital chưa nhận thấy một cách rõ ràng khả năng trả nợ của một số nhà phát triển bất động sản. Sự hồi phục của ngành bất động sản cần phải thêm vài năm nữa. Trong khi đó, áp lực về lạm phát vẫn còn.
Nói về diễn biến tiêu cực của TTCK trong những ngày gần đây, bà Thu chỉ ra thị trường đã tăng khả quan trong 8 tháng đầu năm và việc xuất hiện các điều chỉnh là không tránh khỏi. Động lực để thị trường đi lên trong dài hạn vẫn lớn, khi chu kỳ kinh tế Việt Nam tiếp tục đi lên. Trong ngắn hạn, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận của Việt Nam năm 2024, cũng như mức định giá rẻ trong khu vực. Hiện tại, yếu tố tâm lý NĐT đang tác động thị trường trong ngắn hạn, song bà Thu đánh giá không quá đáng ngại.