Chứng khoán

Viettel Global lọt Top 10 công ty giá trị nhất sàn chứng khoán Việt nam

 

Diễn biến giá cổ phiếu VGI từ đầu năm đến nay. (Nguồn: VPS).

Kết phiên sáng 3/4, cổ phiếu VGI của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (Viettel Global) tăng hết biên độ lên 53.400 đồng/cp, mức đỉnh lịch sử của cổ phiếu này. Đây cũng là phiên tăng thứ 7 liên tiếp, giá VGI theo đó tăng gần 49% sau hơn một tuần. Nếu tính từ đầu năm nay, giá cổ phiếu này đã tăng hơn gấp đôi.

Cùng chiều tăng giá, thanh khoản VGI tăng từ trung bình vài trăm nghìn đơn vị lên vài triệu đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên trong gần một tháng rưỡi vừa qua.

Với mức giá hiện tại, vốn hóa của Viettel Global đã đạt mức 162.540 tỷ đồng (tương ứng hơn 6,5 tỷ USD), tăng thêm 53.267 tỷ đồng sau hơn một tuần. Mức vốn hóa này đã giúp Viettel Global vượt qua VPB để lọt vào Top 10 doanh nghiệp có giá trị lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Vốn hóa Viettel Global hiện cũng đã vượt một loạt tên tuổi lớn như FPT, MB, Vinamilk, ACB, Thế giới Di Động...  

(Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp).

Viettel Global được thành lập từ tháng 10/2007, hiện là công ty con của Tập đoàn Viettel với tỷ lệ sở hữu 99%. Mục tiêu kinh doanh chính của Viettel Global là đầu tư vào các dự án viễn thông tại thị trường nước ngoài, mở rộng phạm vi hoạt động; nâng cao năng lực cạnh tranh; mở rộng quy mô thị trường chuẩn bị cho hoạt động nghiên cứu, sản xuất. Hiện công ty đã đưa vào kinh doanh 9 công ty viễn thông tại 9 quốc gia phân bổ trên châu Á, châu Phi và châu Mỹ.

Về kết quả kinh doanh, trong giai đoạn 2020 - 2023, doanh thu thuần Viettel Global đã tăng gần 1,5 lần và lợi nhuận sau thuế tăng hơn 2,8 lần.

Năm 2023, lợi nhuận sau thuế hợp nhất sau kiểm toán Viettel Global đạt 1.647 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết các công ty thị trường (bao gồm công ty con và công ty liên kết) đều tăng trưởng tốt trong kinh doanh; doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của các công ty thị trường tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, dòng tiền thu hồi từ thị trướng tốt giúp Viettel Global cơ cấu lại tiền gửi và tiền vay tạo ra khoản lợi nhuận tài chính góp phần làm tăng lợi nhuận.

(Biểu đồ: Diệu Nhi tổng hợp từ các BCTC hợp nhất đã kiểm toán).

Cùng chuyên mục

Đọc thêm