Tại Hội nghị Hàng không quốc tế (IAS) 2024 với chủ đề "Ngành hàng không: Điều hướng trong bối cảnh bất định", đang diễn ra tại Hà Nội, nhiều chuyên gia đưa ra bình luận về những vấn đề của ngành hàng không hiện nay.
Nhiều người cho rằng, thị trường hàng không thế giới liên tiếp có những ảnh hưởng lớn từ chiến tranh, đại dịch. Thiếu hụt nhân sự và chuỗi cung ứng trì trệ trở thành hai yếu tố khiến các doanh nghiệp hàng không gặp khó về hoạt động quản trị trong thời gian gần đây.
Ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - nêu quan điểm, một hãng hàng không cần phải điều hướng bằng cách tập trung vào tầm nhìn chiến lược, phân tích thị trường, trải nghiệm khách hàng, áp dụng công nghệ, phát triển bền vững, an toàn, tuân thủ quy định, sự tham gia của nhân viên. Đặc biệt, việc quản lý và mở rộng đội bay rất quan trọng, trong đó quản lý đội bay hiệu quả là yếu tố then chốt để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và đáp ứng nhu cầu của hành khách...
CEO Vietnam Airlines cho biết thách thức lớn nhất với hãng hiện tại là thiếu nguồn nhân lực. Điều này xảy ra trong 2-3 năm trở lại đây, đặc biệt sau khoảng thời gian COVID-19.
"Thực trạng này gây ra thiếu vật tư khí thải, các cơ sở bảo dưỡng, trang thiết bị phục vụ cho máy bay hay rất nhiều các sản phẩm khác. Điển hình như đợt triệu hồi động cơ cho máy bay A321neo gần đây, Vietnam Airlines có 24 động cơ, tương ứng 12 máy bay phải được bảo dưỡng. Đội bay của Vietnam Airlines có gần 60 máy bay thân hẹp Airbus A321, mất đi 12 chiếc cũng là một sự ảnh hưởng lớn", CEO Vietnam Airlines nói.
Theo ông Hà, thời gian bảo dưỡng động cơ của máy bay Airbus A350 đang tăng lên tại Việt Nam. Trước đây, đưa một động cơ vào bảo dưỡng trung bình khoảng 100-120 ngày. Bây giờ, hoạt động này tiêu tốn đến 250 ngày, thậm chí 300 ngày.
Không chỉ Vietnam Airlines, vấn đề thiếu vật tư cũng đặt ra khó khăn cho nhiều hãng bay khác trong khu vực. Ông Michael Szucs - Giám đốc điều hành của hãng hàng không giá rẻ Philippines Cebu Pacific - thông tin: “Việc giao máy bay Airbus tới chúng tôi sẽ chậm 9 tháng so với thời gian dự kiến”.
Những thách thức nói trên đặt ra bắt buộc các hãng hàng không phải thay đổi cách quản trị doanh nghiệp để ứng phó với việc thiếu hụt nhân lực lượng nhằm tiếp tục duy trì cung ứng, phục vụ thị trường, hành khách.
Giáo sư Nawal Taneja - chủ trì Hội nghị Hàng không quốc tế IAS đang diễn ra ở Hà Nội - cho biết: "Những thách thức mà ngành hàng không phải đối vài năm trở lại đây đã có khác biệt sâu sắc, đặc biệt từ dịch COVID-19. Điều này đến từ việc xung đột địa chính trị, công nghệ trí tuệ nhân tạo, thay đổi môi trường".
Vị học giả này nhấn mạnh cho rằng Chính phủ và ngành giao thông vận tải của các quốc gia cần có chương trình, cơ chế, chính sách để phát triển hàng không. Trong bối cảnh "bình thường mới", các hãng hàng không trên thế giới cần phải định hình chiến lược phát triển bền vững, vượt qua các khó khăn cũng như áp dụng công nghệ, quản lý gắn kết người lao động. Trong dài hạn, các bên cung ứng sẽ cần tìm ra cách quản trị nhân lực để rút ngắn quá trình bảo dưỡng máy bay, thông qua thúc đẩy các công nghệ mới.
Đây là câu chuyện chung của cả ngành hàng không, không chỉ của hãng hàng không mà cũng của các nhà chế tạo máy bay, nhà sản xuất động cơ, phải cùng nhau có sự hợp tác để chia sẻ những thông tin và sử dụng những công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích về dữ liệu, qua đó đưa ra những phương án tối ưu về việc sửa chữa và bảo dưỡng động cơ.
Các công ty hàng không bày tỏ mong muốn hệ thống dữ liệu hiện đại có thể dự báo thời điểm chính xác phải đưa máy bay vào bảo dưỡng. Khi đoán đúng về tình huống này thì hãng sẽ hiệu quả hơn trong việc thực hiện kiểm tra phương tiện và đảm bảo cho đội bay hoạt động ổn định.
Nâng cao chất lượng dịch vụ là điều tiên quyết để các hãng bay thích nghi với sức cạnh tranh hiện nay. Ông Junichiro Miyagawa - đại diện hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways (ANA) - đánh giá rằng các sân bay đã dần trở lại đông đúc tại Nhật Bản và ngành hàng không đang nỗ lực để đáp ứng nhu cầu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, nhu cầu đi lại phục vụ cho giao thương chưa thể quay trở lại được như giai đoạn trước COVID-19.
“Trước bối cảnh hiện nay, các hãng bay cần tiếp tục tập trung vào hoạt động vận tải hàng không cốt lõi, nỗ lực phát triển khả năng đối đãi với khách hàng, đồng thời đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, mở rộng thị trường và xây dựng nền tảng hệ sinh thái mới,” đại diện ANA góp ý.