Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – Mã: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với doanh thu thuần đạt 11.620 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ 2021.
Lỗ gộp giảm từ gần 3.000 tỷ xuống chỉ còn gần 1.600 tỷ. Lỗ sau thuế cũng giảm từ 4.092 tỷ trong quý I năm ngoái xuống còn 2.686 tỷ đồng trong kỳ này. Đây là quý thua lỗ thứ 9 liên tiếp của Vietnam Airlines, như biểu đồ dưới đây cho thấy. Lỗ lũy kế tại ngày 31/3/2022 là 24.575 tỷ đồng, lớn hơn mức 22.144 tỷ của vốn điều lệ.
Vốn chủ sở hữu hợp nhất của Vietnam Airlines tại ngày cuối quý I năm nay là âm 2.161 tỷ đồng. Thống kê bên dưới cho thấy đây không phải là lần đầu tiên vốn chủ của tổng công ty hàng không này xuống dưới 0.
Tại ngày cuối quý II/2021, vốn chủ sở hữu Vietnam Airlines là âm 2.787 tỷ đồng do nhiều quý thua lỗ liên tục kể từ đầu dịch COVID-19. Sau đó, Vietnam Airlines tiếp tục thua lỗ nhưng vốn chủ sở hữu quay về mức dương do tổng công ty được cổ đông bơm thêm gần 8.000 tỷ đồng, trong đó riêng Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) góp gần 6.900 tỷ.
Theo quy định tại Khoản 1e Điều 120 Nghị định 155/2020, cổ phiếu của công ty đại chúng sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc nếu kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Theo báo cáo tài chính quý I/2022, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã vượt vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu của tổng công ty cũng đã âm. Tuy nhiên, căn cứ để xem xét hủy niêm yết là báo cáo tài chính kiểm toán cả năm. Vì vậy số liệu trong báo cáo tài chính quý I không có ý nghĩa quyết định.
Hiện nay đã quá hạn chót 31/3 để công bố báo cáo tài chính kiểm toán cả năm 2021 nhưng Vietnam Airlines chưa công bố do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cần thêm thời gian hoàn thiện.
- TIN LIÊN QUAN
-
Vietnam Airlines lỗ hơn 13.300 tỷ, vốn chủ cuối năm vẫn dương
Theo báo cáo tài chính chưa kiểm toán, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tại ngày 31/12/2021 là số dương, lỗ lũy kế nhỏ hơn vốn điều lệ, và tổng công ty cũng mới chỉ thua lỗ trong hai năm liên tiếp.
Nếu đơn vị kiểm toán đồng ý với số liệu trong báo cáo mà Vietnam Airlines tự lập thì hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN sẽ không thuộc nhóm bị hủy niêm yết bắt buộc theo Khoản 1e Điều 120 Nghị định 155/2020.
Một doanh nghiệp hàng không khác là Vietjet (Mã: VJC) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với lợi nhuận sau thuế 244 tỷ đồng, cao gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả này có sự đóng góp rất lớn từ khoản doanh thu tài chính 1.156 tỷ. Chỉ tính hoạt động kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không, Vietjet báo cáo lỗ gộp 257 tỷ đồng.
Trong 4 tháng vừa qua, Vietjet khai thác 28.150 chuyến bay trong khi Vietnam Airlines dẫn đầu với hơn 33.100 chuyến, chưa kể hai hãng thành viên là Pacific Airlines và Vasco.