Tại Đại hội năm nay, Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban kiểm soát (BKS) VietinBank sẽ tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2019-2024 và định hướng hoạt động nhiệm kỳ mới 2024-2029. Ngân hàng cũng sẽ bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới.
Định hướng giai đoạn 2024-2029, VietinBank sẽ tăng trưởng tổng tài sản, dư nợ tín dụng, nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư khoảng 9-10%/năm. Bên cạnh đó, mục tiêu ROE ở mức 16-18%, tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%. Tỷ lệ an toàn vốn đảm bảo tuân thủ quy định của NHNN theo từng thời kỳ. VietinBank cũng cho biết, mục tiêu định hướng, đề xuất cho giai đoạn 2024-2029 điều chỉnh theo phê duyệt của NHNN trong từng thời kỳ.
Trong giai đoạn 2024-2029, ngân hàng sẽ gia tăng doanh thu bền vững thông qua thúc đẩy vị thế cạnh tranh ở các mảng kinh doanh lõi, đa dạng hóa danh mục, tăng cường khai thác hiệu quả sinh thái và gắn hoạt động kinh doanh với phát triển bền vững. Bên cạnh đó, VietinBank định hướng quản trị hiệu quả chi phí, ứng dụng số hóa để quản trị hiệu quả chi phí hoạt động. Ngân hàng cho biết số hóa toàn diện hoạt động, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng dịch vụ liên tục,…
Riêng năm 2024, VietinBank dự kiến tổng tài sản tăng trưởng 8-10%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%. Lợi nhuận trước thuế theo phê duyệt của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Trước đó, năm 2023, ngân hàng hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu kinh doanh, trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ đạt 24.194 tỷ đồng, vượt kế hoạch 22.500 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 24.990 tỷ đồng.
Tại Đại hội, ngân hàng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023. VietinBank cho biết, lợi nhuận riêng lẻ sau thuế năm 2023 là 19.456 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ bắt buộc và quỹ khen thưởng, phục lợi, lợi nhuận còn lại năm 2023 là 13.927 tỷ đồng. VietinBank đề xuất dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Được biết trước đó, ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của VietinBank cũng đã thông qua việc dùng toàn bộ lợi nhuận còn lại năm 2022 (11.521 tỷ đồng) để chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Hiện vốn điều lệ của VietinBank ở mức 53.700 tỷ đồng. Nếu được giữ lại lợi nhuận năm 2022-2023 để chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên 79.148 tỷ đồng.
Theo VietinBank, các kênh tăng vốn của ngân hàng đã khai thác tối đa giới hạn theo quy định. Thời gian qua, việc tăng vốn tự có của VietinBank gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank đã chạm ngưỡng 64,5% và tổng số vốn cần bổ sung là khá lớn trong khi nguồn lực Nhà nước có thể được sử dụng để tăng vốn cũng còn hạn chế. Việc giữ lại lợi nhuận thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu phụ thuộc lớn vào tình hình cân đối ngân sách hàng năm của Bộ Tài chính. Trong các năm qua, để phục vụ tăng trưởng hoạt động kinh doanh và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, VietinBank đã phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như cơ cấu lại danh mục tài sản có rủi ro, đa dạng hóa cơ cấu thu nhập, cơ cấu danh mục đầu tư góp vốn cổ phần, phát hành trái phiếu thứ cấp tăng vốn cấp 2,…tuy nhiên tăng vốn nhằm đáp ứng tối đa quy mô tăng trưởng vẫn là một khó khăn với VietinBank.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng hồi đầu năm 2024, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình tiếp tục kiến nghị tạo điều kiện cho VietinBank cũng như các NHTM Nhà nước tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính. Hiện tại VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Trên cơ sở đó, VietinBank đề xuất các Cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; Phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024-2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.