Báo cáo Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 ngày 10/5 của Chính phủ cho biết trong thời gian qua đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để xử lý ba ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á.
Chính phủ đã tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn... trên nguyên tắc quyết liệt, thận trọng, chặt chẽ.
Báo cáo cho biết Chính phủ đã rà soát, hoàn thiện phương án cơ cấu lại theo định hướng mới và đã có phương án xử lý đối với Ngân hàng Xây dựng (CB Bank) và Ngân hàng Đại dương (OceanBank), hai trong số ba ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc (còn lại GPBank).
Tại mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay, hai ngân hàng Vietcombank và MB cho biết sẽ thực hiện nhiệm vụ nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém từ NHNN. Theo thông tin được tiết lộ trước đó MB sẽ nhận chuyển nhượng bắt buộc OceanBank trong khi thông tin về TCTD được chuyển giao cho Vietcombank chưa được hé lộ.
Như vậy, nhiều khả năng TCTD sẽ "về" với Vietcombank sẽ là Ngân hàng Xây dựng - CBBank. Năm 2015,NHNN mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của CBBank với giá 0 đồng và giao cho Vietcombank tham gia quản trị, điều hành.
Trước đó, năm 2014, Vietcombank và CBBank đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện. Theo đó, Vietcombank đã hỗ trợ cơ bản cho CB về kinh nghiệm phát triển sản phẩm, dịch vụ, rà soát lại hệ thống quản trị rủi ro. Đồng thời, cử cán bộ có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn tốt để hỗ trợ và chia sẻ với CBBank về quản trị, điều hành, quản trị rủi ro, kiểm toán, công nghệ thông tin.
Chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm nay,Chủ tịch Phạm Quang Dũng cho biết hiện Vietcombank đang triển khai tất cả những yếu tố cần thiết để thực hiện phương án chuyển giao.
Nhận định về thời gian hoàn tất phương chuyển giao bắt buộc ông Dũng cho rằng trên cơ sở đánh giá tổng thể, với những chính sách hỗ trợ nhận được, thời gian xử lý TCTD yếu kém có lẽ sẽ không quá 8 - 10 năm để biến TCTD trở thành một tổ chức tài chính lành mạnh. Tốc độ thực hiện phương án sẽ phụ thuộc vào ba yếu tố: (1) Phụ thuộc vào tình hình hoạt động của TCTD đó (2) Sự hỗ trợ từ các cơ quan có thẩm quyền và (3) Tình hình thị trường.
Cuối năm 2021, Vietcombank ghi nhận khoảng 4.000 tỷ đồng nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) liên quan đến Ngân hàng Xây dựng. Lãnh đạo ngân hàng cho biết đến nay Vietcombank đã thu hồi 3.000 tỷ và chỉ còn 1.000 tỷ đồng và độ rủi ro của khoản vay là có thể kiểm soát được. Khoản dự phòng của 3.000 tỷ đồng đã được hoàn nhập trong quý I/2022.
Theo phương án chuyển giao được trình tại đại hội cổ đông, TCTD được chuyển giao sẽ hoạt động dưới hình thức ngân hàng TNHH MTV do Vietcombank sở hữu 100% vốn điều lệ, là pháp nhân độc lập và không thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính với Vietcombank.
Vietcombank cũng sẽ không góp vốn vào TCTD trong thời gian TCTD này còn lỗ luỹ kế. Đồng thời, không chịu trách nhiệm về thanh khoản và các nghĩa vụ tài chính của TCTD trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao. Vietcombank sẽ tham gia quản trị, điều hành và triển khai các biện pháp hỗ trợ tại phương án CGBB được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Với việc nhận chuyển giao bắt buộc, Vietcombank sẽ nhận được nhiều chính sách hỗ trợ đặc biệt nhưkhông giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm,được phép trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận giữ lại,được ưu tiên cho vay vượt 15%/25% vốn tự có của Vietcombank với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan,...