Phát biểu tại Hội thảo “Báo cáo Việt Nam 2045: Xu hướng kinh tế toàn cầu và hàm ý chính sách cho Việt Nam”, TS. Nguyễn Quốc Trường, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng Việt Nam đã đặt ra hai mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 và phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, xu hướng thế giới ngày càng biến động đòi hỏi những chiến lược mới, phù hợp với từng giai đoạn. Do đó, Báo cáo Việt Nam 2045 là một trong các tài liệu chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2031 - 2040.
Theo ông Trường, từ nay đến năm 2050, tăng trưởng thương mại thế giới có thể chậm lại trong ngắn hạn. Trong trung hạn, thương mại toàn cầu sẽ có những động lực tăng trưởng mới, xuất phát từ chi phí thương mại giảm. Đến năm 2050, thương mại toàn cầu sẽ tiếp tục bị chi phối bởi 4 khu vực trên thế giới: châu Âu, Bắc Mỹ, Trung Quốc và châu Á –Thái Bình Dương (hiện đang chiếm 78% nhập khẩu và GDP toàn cầu).
Hai vị trí dẫn đầu trong xu hướng phát triển thương mại sẽ thuộc về châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương, do tần suất hàng hóa và dịch vụ đi qua biên giới của hai khu vực này lớn hơn. Sự khác biệt về nhân khẩu học, lợi thế so sánh và nguồn lực tài nguyên sẽ tạo ra động lực cho chuỗi cung ứng khu vực phát triển ở các khu vực này.
Cùng với đó, Báo cáo nhấn mạnh, xu hướng đầu tư bền vững FDI vào năng lượng tái tạo gia tăng trong những năm gần đây, vượt đầu tư mới trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch. Động lực thúc đẩy cho xu hướng này bao gồm biểu giá điện (FIT), giá carbon, đầu tư kinh phí hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cho năng lượng tái tạo và các trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi nhờ chiến tranh thương mại
Phân tích về bối cảnh thế giới, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban quốc tế, Viện Chiến lược phát triển cho biết cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia đang tiếp tục leo thang. Trong đó, cạnh tranh Mỹ - Trung đặt trọng tâm vào các vấn đề như biến đổi khí hậu, sản xuất xanh, chuyển đổi năng lượng, công nghệ cao… để tạo ảnh hưởng với các đối tác.
Tác động của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đẩy nhanh xu hướng hình thành cục diện thế giới đa cực. Trung Quốc đang trỗi dậy, Nga vẫn giữ được sức mạnh. Ảnh hưởng của Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia vẫn còn hạn chế.
"Đến năm 2030 và 2045, ít có khả năng xuất hiện một cường quốc mới dựa trên tiềm lực khoa học công nghệ dẫn đầu cũng như những điều chỉnh về kinh tế và quân sự”, TS Thắng nhận định.
Với Việt Nam, nước ta đóng vai trò động lực, huyết mạch là nước thứ ba để xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gia tăng.
Do đó, Việt Nam có cơ hội gia tăng thị phần trong nhập khẩu của Mỹ và Trung Quốc. Nền kinh tế Việt Nam cũng có cơ hội tăng cường quan hệ với Trung Quốc do chuyển hướng thương mại của Trung Quốc từ Mỹ sang Việt Nam, Indonesia, Malaysia.Việt Nam cũng là trung gian kết nối, vận chuyển hàng hóa từ các nước ASEAN sang Trung Quốc.
Về thu hút đầu tư FDI, Việt Nam cũng có khả năng thu hút mạnh đầu tư và hỗ trợ của Mỹ vào công nghiệp bán dẫn, nhờ vị trí chiến lược của Việt Nam và thành công của Việt Nam trong xuất khẩu hàng điện tử, tiềm năng về nguồn cung đất hiếm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 Việt Nam có nguy cơ tụt hậu lớn hơn nếu không thích ứng được trước xu hướng phát triển công nghệ toàn cầu. Hiện lợi ích từ ứng dụng công nghệ 4.0 không được phân bổ đều giữa khu vực doanh nghiệp nhỏ với doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Vì vậy, Việt Nam có đạt được mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 hay không phụ thuộc rất lớn vào con người và thực thi chính sách. Nhóm nghiên cứu khuyến nghị đưa ra ba khuyến nghị.
Thứ nhất, Việt Nam cần tận dụng các cơ hội tích cực từ bên ngoài. Thứ hai, Việt Nam cần hạn chế các rủi ro; xây dựng, phát triển thể chế phù hợp với tình hình mới. Trong đó cần phân định vai trò của nhà nước, pháp luật hóa chủ trương chính sách và hoàn thiện hệ thống luật pháp. Và thứ ba, cần tạo nền tảng để thúc đẩy khu vực tư nhân.