CTCP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (HBC) mới nhận được thư trúng thầu 5 dự án nhà ở xã hội tại Kenya (châu Phi) với tổng mức đầu tư 72 triệu USD.
"Sau khi khảo sát thị trường, tôi thấy đây là một dự án tiềm năng. Nếu chúng ta biết tận dụng cơ hội hợp lý, ngành xây dựng Việt Nam hoàn toàn có thể chinh phục được thị trường này", Chủ tịch HĐQT HBC Lê Viết Hải chia sẻ.
Thị trường tiềm năng, chi phí nhân công chỉ bằng 1/3 Việt Nam
Nhận định về tiềm năng của châu Phi, ông Hải cho biết đó là một thị trường quy mô rất lớn. 30 năm tới, lực lượng lao động sẽ tăng thêm 800 triệu người, quy mô dân số tăng gấp đôi, chiếm ¼ dân số thế giới. Trong khi đó, số lượng nhà ở xây dựng hiện còn rất thiếu.
"Nhu cầu xây dựng rất lớn, nhu cầu về đầu tư bất động sản và nhà ở cực kỳ cao. Nguồn lao động ở đây đang có mức giá rất cạnh tranh, nếu biết khai thác thì cả ngành sản xuất công nghiệp và các ngành nông nghiệp đều có thể giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển thị trường ra nước ngoài rất thuận lợi".
"Ở Việt Nam phải trả chi phí sản xuất 30% cho lao động, qua bên kia có thể giảm 2/3. Lao động họ đang rất thừa, cần công ăn việc làm, cần được đào tạo, huấn luyện nâng cao kỹ năng tay nghề. Công nghệ về tất cả các mặt đều rất nghèo nàn, lạc hậu, và các kinh nghiệm, kiến thức, know-how của Việt Nam hoàn toàn có thể vận dụng để phát triển ở thị trường châu Phi", ông Hải nói.
Về chất lượng nhà ở tại thị trường châu Phi điển hình là Kenya - quốc gia mà HBC trúng thầu 5 dự án, ông Hải cho biết tiêu chuẩn chất lượng khá thấp.
"Ở đó có các căn hộ 2 phòng ngủ rất nhỏ, có những căn hộ tới 2 gia đình ở chung. Việc ăn uống, sinh hoạt, giải trí trong nhà rất khó giải quyết. Hai bên phải thống nhất giờ nào nhà nào coi TV, giờ nào nhà nào ăn tối, không có chỗ để phân chia diện tích sử dụng mặt bằng", Chủ tịch HBC nêu vấn đề.
Chủ tịch HBC có niềm tin rằng các doanh nghiệp từ bất động sản, xây dựng, thiết kế, vật liệu xây dựng, quản lý dự án… cả hệ sinh thái trong ngành bất động sản đều có thể "xuất khẩu" sang Châu Phi, tạo dựng được một hệ sinh thái trong ngành xây dựng – bất động sản tại thị trường tiềm năng này.
Việt Nam nay đã sắp già, tương lai phát triển phải là châu Phi
"Miền đất hứa" châu Phi đã từng được vị Chủ tịch HBC nhắc đến nhiều lần. Tại Hội nghị nhà thầu phụ, Nhà cung cấp HBC 2024, ông Hải cho biết: Chỉ có khoảng 10% công trình cao tầng đang xây dựng ở Châu Phi có cẩu tháp, vận thăng, giàn giáo thép và áp dụng công nghệ xây dựng tương đối hiện đại, đa phần còn lại họ dùng những phương tiện thô sơ, còn rất lạc hậu.
Vô hình trung, đây đã trở thành lợi thế của Hòa Bình bởi từ lâu, Hoà Bình đã đầu tư hàng trăm triệu USD cho máy móc, trang thiết bị và luôn đảm bảo duy trì được chất lượng hoạt động tốt sau khi đã khấu hao. Nếu lượng thiết bị này cùng con người Hoà Bình được đưa đến Châu Phi sẽ giúp cải thiện mọi mặt bao gồm chất lượng, tiến độ, an toàn, chi phí thi công xây dựng cho các công trình ở Châu Phi.
"Tôi cho rằng việc chinh phục thị trường xây dựng nước ngoài của Hòa Bình như câu chuyện của cây tre", ông Hải cho biết.
"Cây tre khi được trồng xuống đất chỉ mọc lên vài centimet trên mặt đất trong một thời gian dài. Trong suốt 4 năm đầu tiên nó dành toàn bộ sức lực cho việc cắm rễ hàng trăm mét dưới lòng đất. Khi gốc rễ đã đủ chắc thì từ năm thứ 5 nó mới bứt phá với tốc độ đáng kinh ngạc 30 centimet mỗi ngày và chỉ mất 6 tuần để đạt chiều cao 15 mét".
Ông Hải cho biết Hòa Bình đã đi "cắm rễ" tại các thị trường nước ngoài, khắp các châu lục và hiện giờ Hoà Bình đã có những điều kiện thuận lợi nhất để ước mơ xuất khẩu xây dựng đó trở thành hiện thực.
Cùng chung nhận định về tiềm năng thị trường châu Phi, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, thương hiệu và cạnh tranh – cho biết: "Các nhà kinh tế có 2 câu rất hay: Khu vực phát triển năng động nhất thế giới là Châu Á – Thái Bình Dương, nhưng tương lai của sự phát triển lại là Châu Phi. Đây là khu vực vừa năng động lại rất trẻ trung, có thể nói là trẻ nhất".
"Việt Nam cũng sắp già rồi. Nhìn ra bên ngoài thì châu Phi là nơi doanh nghiệp Việt Nam nên tính đến. Nga, Trung Quốc đã tính lâu rồi. Mình có lợi thế trong ngành xây dựng, công nghiệp sản xuất, chế biến chế tạo, nên quan tâm!", TS. Thành nhắn nhủ.