Ngày 8/5, Bộ Thương mại Mỹ đã tổ chức phiên điều trần giữa đại diện Chính phủ Việt Nam với một số bên liên quan để xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam.
Hiện tại, Việt Nam nằm trong danh sách 12 quốc gia có quy chế kinh tế phi thị trường của Bộ Thương mại Mỹ và sẽ bị sử dụng giá từ nước thứ ba thay thế để tính toán giá sản xuất khi tính biên độ phá giá trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD) và chống trợ cấp (CVD) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Theo báo cáo nhập của SSI Research, trên thực tế, những nỗ lực từ Việt Nam trong việc đáp ứng 6 tiêu chí để công nhận quy chế kinh tế thị trường được thực hiện từ khá lâu và đã được cụ thể hóa sau khi hai nước nâng cấp Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023.
Theo kế hoạch, quyết định chính thức sẽ được Mỹ công bố vào ngày 26/7 và các ý kiến bình luận và phản biện lên Bộ Thương Mại Mỹ trước khi diễn ra phiên điều trần vẫn đang khá trung lập.
Một số bên lên tiếng ủng hộ như Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), Hiệp hội Công nghiệp bán lẻ Mỹ (RILA), Hiệp hội Các nhà xuất nhập khẩu Mỹ (AAEI), Hiệp hội Nông nghiệp Mỹ (NASDA), Hiệp hội Dệt may và da giày Mỹ (AAFA) tuy nhiên vẫn có một số bên phản đối như Liên minh sản xuất Mỹ (AAM) hay Công đoàn Công nhân thép (USW).
Báo cáo của SSI Research cho biết vấn đề công nhận quy chế kinh tế thị trường cũng đối mặt với nhiều thách thức pháp lý tiềm ẩn ở Mỹ. Trước đó vào năm 2016, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã từ chối đề xuất từ phía Trung Quốc.
Đơn vị phân tích này nhận định lợi ích lớn nhất khi được công nhận quy chế kinh tế thị trường là các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể được hưởng lợi về thuế nhập khẩu trong trường hợp Mỹ áp dụng quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) cho Việt Nam.
Hiện tại, Việt Nam đã được 72 quốc gia công nhận quy chế kinh tế thị trường trong đó có Canada, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh và quyết định chấp thuận từ Mỹ sẽ tạo tiền đề giúp Liên Minh Châu Âu (EU) công nhận Việt Nam.
"Thời điểm từ nay đến ngày 26/7 sẽ là giai đoạn rất quan trọng, đòi hỏi sự vận động mạnh mẽ và nỗ lực từ phía Chính phủ khi cần vượt qua các quy định pháp lý chặt chẽ từ Mỹ", SSI Research.
Nhìn chung, SSI Research cho rằng, điều này sẽ không có tác động ngay tức thì trong ngắn hạn đối với các ngành liên quan và doanh nghiệp niêm yết (PTB có thể sẽ được hưởng lợi vì có thể tránh được thuế chống phá giá đối với một số sản phẩm nhất định).
Về dài hạn, lợi ích lớn nhất từ việc công nhận quy chế kinh tế thị trường là các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam có thể sử dụng giá sản xuất của chính doanh nghiệp đó trong trường hợp Mỹ tiến hành điều tra thuế chống bán phá, từ đó có thể giảm rủi ro chịu thuế chống bán phá giá trong tương lai và giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng hơn tại thị trường này.
Ảnh hưởng ra sao tới từng ngành?
Với nhóm lốp xe, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể không ảnh hưởng nhiều đến CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) vì lốp TBR của DRC hiện không chịu bất kỳ khoản thuế AD/CVD nào.
Trong trường hợp có bất kỳ kiến nghị nào về hành vi chống bán phá giá trong tương lai, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể giúp DRC giảm bớt khả năng bị áp dụng AD/CVD vì DRC được phép sử dụng dữ liệu chi phí của chính mình thay vì sử dụng dữ liệu cơ cấu chi phí của DRC từ nước thứ ba.
Trong khi đó, lốp PCR của Việt Nam phải chịu 22,27% thuế AD và 6,46% thuế VCD. DRC đã tung ra thị trường lốp PCR vào quý II/2023, nhưng thị trường xuất khẩu chính là Brazil chứ không phải Mỹ. Nếu DRC giới thiệu lốp PCR vào thị trường Mỹ trong tương lai, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có thể giúp DRC tránh được thuế AD/CVD.
Ở nhóm dệt may, đơn vị phân tích này thấy các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may (như TNG, MSH, TCM) không chịu thuế AD/CVD. Mặc dù sợi polyester phải chịu thuế 2,58%, tuy nhiên STK chỉ xuất khẩu 8% sang Mỹ (so với 70% doanh thu từ khách hàng trong nước). Vì vậy, SSI Research đánh giá việc công nhận sẽ có tác động nhỏ đến các doanh nghiệp dệt may trong nước.
Ở ngành thép, việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường dự kiến sẽ không có tác động lớn đến các doanh nghiệp thép trong ngắn hạn vì Mỹ không áp thuế chống bán phá giá (AD) đối với các doanh nghiệp thép của Việt Nam vào thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, việc công nhận có thể giúp các doanh nghiệp xuất khẩu thép Việt Nam thuận lợi hơn trong việc né tránh việc áp thuế AD nếu có trong tương lai, vì các doanh nghiệp Việt Nam có thể sử dụng giá của chính doanh nghiệp trong trường hợp điều tra thuế AD, thay vì phải sử dụng giá tại các thị trường khác như Indonesia, để tham khảo.
Mặt khác, việc nâng cấp sẽ không ảnh hưởng đến việc Mỹ áp thuế nhập khẩu 25% vào thời điểm hiện tại.
Với lĩnh vực thuỷ sản, dựa trên POR 19, thuế AD đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra VHC và ANV sẽ là 0 USD/kg, trong khi IDI sẽ là 0,18 USD/kg (giảm từ 2,39 USD/kg). Vì vậy, các doanh nghiệp cá tra sẽ không có ảnh hưởng đáng kể từ việc công nhận.
Tuy nhiên, Mỹ đang điều tra các doanh nghiệp xuất khẩu tôm về khả năng vi phạm chống trợ cấp, với kết quả cuối cùng sẽ có ngày 5/8/2024. Như vậy, việc công nhận có thể hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sử dụng giá của chính doanh nghiệp mình trong các vụ kiện.
SSI Research lưu ý rằng giá tôm Việt Nam cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh và mức thuế CVD sơ bộ thấp hơn đối thủ (Việt Nam bị áp mức 2,84% so với đối thủ 4,36%-7,55%).
Ở nhóm gỗ và sản phẩm gỗ, một số sản phẩm của Việt Nam như gỗ dán, tủ gỗ và bàn trang điểm bằng gỗ, nội thất phòng ngủ bằng gỗ, ghế khung gỗ hiện đang bị điều tra thuế chống bán phá giá và thuế tự vệ như các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc (thuế chống bán phá giá của gỗ dán, tủ gỗ và bàn trang điểm bằng gỗ, ghế khung gỗ lần lượt là 183,36%; 4,37%; 262,18%; 25%).
PTB hiện đang xuất khẩu sản phẩm nội thất phòng ngủ bằng gỗ với doanh thu bình quân hàng năm đạt 80 - 100 tỷ đồng/năm – đóng góp 1,78% vào tổng doanh thu của PTB.
Với mảng đá (bao gồm VCS, PTB), Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra cảnh báo sản phẩm đá thạch anh có nguy cơ bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá. Hiện tại, mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho sản phẩm Trung Quốc là từ 265,81% đến 336,69%.