Số liệu của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM cho biết trong số 103 dự án được Bộ Kinh tế – Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hỗ trợ đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam là quốc gia có số dự án đầu tư nhiều nhất so với các nước khác trong khu vực.
Cụ thể, sau 5 đợt tuyển chọn, Việt Nam có 41 dự án; thứ 2 là Thái Lan có 25 dự án; Malaysia và Indonesia cùng có 12 dự án.
Đáng chú ý, khi được hỏi về nhu cầu thu mua nguyên vật liệu và linh kiện, 86% các doanh nghiệp Nhật Bản đã trả lời rằng có dự định mở rộng nội địa hóa việc thu mua. Khoảng 88% trong số đó trả lời là sẽ lựa chọn thu mua từ các doanh nghiệp của nước sở tại, cao hơn rất nhiều so với con số 32% trả lời là sẽ mở rộng thu mua từ các công ty Nhật Bản.
Mới đây, tại buổi giới thiệu về Triển lãm METALEX Vietnam và Triển lãm công nghiệp hỗ trợ 2022, ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện văn phòng JETRO tại TP HCM, cho biết trong tình hình hoạt động sản xuất bị đình trệ do đứt gãy chuỗi cung ứng thì Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp Nhật Bản.
Điều này được thể hiện trong một khảo sát về tình hình thực tế của các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư ra nước ngoài do JETRO thực hiện trong năm vừa rồi.
Cụ thể, có 55,3% trong tổng số doanh nghiệp đã trả lời “sẽ mở rộng” phát triển kinh doanh tại Việt Nam trong 1 đến 2 năm tới, đạt tỷ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á. Ngược lại, chỉ có 2,2% doanh nghiệp trả lời là sẽ “thu hẹp” kinh doanh tại Việt Nam, con số nhỏ nhất khu vực Đông Nam Á, nhỏ thứ 2 khu vực châu Á, chỉ sau Pakistan.
Và sự hợp tác trong ngành công nghiệp hỗ trợ là một điểm quan trọng việc tăng cường mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam. Tuy nhiên, qua khảo sát các doanh nghiệp Nhật thì thấy một số vấn đề như chất lượng sản phẩm, kỹ thuật chưa hoàn thiện dẫn đến trở ngại cho việc thu mua linh kiện, nguyên vật liệu tại Việt Nam.
Trên thực tế, khả năng cung ứng vật liệu linh kiện của Việt Nam so với các nước trong khu vực chỉ chiếm 39,6%. Trong khi đó, khả năng cung ứng của Trung Quốc chiếm 59,5%; Malaysia chiếm 49,3%; Indonesia chiếm 44,8% và Thái Lan chiếm 41,7%.
Do đó, để tận dụng cơ hội đầu tư và mở rộng nhà máy tại Việt Nam của các tập đoàn quốc tế, tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao lợi thế cạnh tranh bằng việc cập nhật máy móc, công nghệ mới, tăng năng suất, giảm tiêu hao, nâng cao trình độ nhân lực cũng như liên kết hợp tác tốt hơn theo chuỗi.
Thông qua chuỗi triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 6-8/10 tại TP HCM với hơn 250 thương hiệu thuộc ngành hàng sản xuất, gia công cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của các quốc gia trên thế giới sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam nắm bắt kịp thời các xu hướng mới, tăng cường kết nối, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Còn theo ông Vũ Trọng Tài, Tổng giám đốc Công ty RX Tradex Việt Nam, không chỉ Nhật Bản, số lượng khách hàng Mỹ và EU vào Việt Nam tìm kiếm nguồn cung ứng mới cũng ngày một nhiều hơn, đa dạng hơn, mang lại các cơ hội kinh doanh rõ rệt cho các doanh nghiệp phụ trợ Việt. Trong tương lai Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất để hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của Đông Nam Á.
“Do đó, ngoài việc gỡ các nút thắt về kỹ năng nhân công, cơ sở hạ tầng, Việt Nam cần phải phát triển hơn hệ thống công nghiệp với chất lượng và năng suất cạnh tranh toàn cầu. Giữ đà tăng trưởng của dòng vốn FDI, tăng tỷ lệ nội địa hóa, đồng thời thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ bao phủ toàn bộ chuỗi giá trị tương ứng”, ông Tài nhấn mạnh.