Số liệu từ Tổng cục Thống kê ước tính đến ngày 20/6/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù, tổng vốn FDI đăng ký 6 tháng 2023 giảm 4,3%, nhưng mức giảm này đã được cải thiện so với cùng kỳ 2022 khi giảm 8,1% và nhìn sâu vào những con số chi tiết có thể thấy những tín hiệu tích cực bắt đầu xuất hiện trong thu hút đầu tư FDI.
Trong 6 tháng đầu năm, vốn đầu tư cấp mới đạt gần 6,5 tỷ USD, chiếm 48,3% tổng vốn đăng ký tăng mạnh 31,3% và tăng 71,9% về số dự án cấp mới so với cùng kỳ 2022, vốn góp mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, chiếm 29,9% tổng vốn đăng ký tăng mạnh 79%. Chỉ có vốn đăng ký tăng thêm, chiếm 21,8% tổng vốn đăng ký, giảm 57,1% nhưng số lượt dự án tăng vốn lại tăng 29,8% so với cùng kỳ.
"Đáp án để vượt qua khủng hoảng có thể tìm thấy ở Việt Nam"
Từ đầu năm đến nay, liên tiếp các đoàn doanh nghiệp nước ngoài với số lượng lớn đã đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh. Vào đầu tháng 3, đã có trên 50 tập đoàn lớn của Hoa Kỳ đã đến Việt Nam để tìm hiểu cơ hội hợp tác trong những lĩnh vực thúc đẩy chuỗi cung ứng, an ninh quốc phòng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo,...
Theo đánh giá của cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, trong bối cảnh thế giới lo ngại suy thoái, việc Việt Nam duy trì tăng trưởng trong năm 2022 là 8% và dự báo năm nay là 6%, trong khi các quốc gia tăng thấp hơn, trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng toàn cầu, là mối quan tâm cho nhiều doanh nghiệp Mỹ. “Nhiều công ty Mỹ chưa tham gia đầu tư trước đây thì bây giờ họ quan tâm đầu tư vào Việt Nam”, ông Ted Osius nói.
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng dành niềm tin vào Việt Nam như một điểm đến quan trọng trong đầu tư. Ông đã có chuyến công du cùng phái đoàn hơn 200 doanh nghiệp lớn nhất Hàn Quốc đến Việt Nam vào tháng 6.
Ông Yoon Suk-yeol nói: "Đáp án để vượt qua những cuộc khủng hoảng đó có thể tìm thấy tại Việt Nam - trung tâm của chuỗi cung ứng đang tái cấu trúc và là một thị trường tiêu dùng mới nổi".
Tổng thống Yoon Suk-yeol cho rằng, Việt Nam đang xây dựng một hệ sinh thái đổi mới với mục tiêu trở thành một quốc gia tiên tiến vào năm 2045, cải thiện cơ sở hạ tầng liên lạc và năng lượng, đồng thời thúc đẩy các dự án quy mô lớn để phát triển các ngành công nghiệp và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số.
"Một cơ hội mới đang mở ra cho Hàn Quốc, hơn bất kỳ quốc gia nào khác, có mối liên hệ chặt chẽ với Việt Nam", Tổng thống Yoon Suk-yeol nhận định.
Phái đoàn Hàn Quốc bao gồm những lãnh đạo cấp cao của hàng loạt những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc như: Chủ tịch Samsung Electronics Lee Jae-yong, Chủ tịch Tập đoàn SK Chey Tae-won, Chủ tịch Tập đoàn Hyundai Motor Chung Eui-sun, Chủ tịch Tập đoàn LG Koo Kwang-mo, Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hanwha Kim Dong-kwan, Chủ tịch Tập đoàn Hanjin Cho Won-tae, Phó Chủ tịch Tập đoàn Hyosung Cho Hyun-sang…
Đây cũng là phái đoàn doanh nghiệp lớn nhất tháp tùng chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Yoon Suk-yeol từ trước đến nay kể từ khi ông nhậm chức tổng thống vào tháng 5/2022.
Mới đây, hơn 800 lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức chính phủ cấp cao và nhà ngoại giao cũng đã tới Việt Nam để tham dự Diễn đàn doanh nghiệp khu vực Singapore lần thứ 7 (SRBF). Đây cũng là lần đầu tiên Diễn đàn Doanh nghiệp khu vực Singapore tổ chức ngoài lãnh thổ nước này và điểm đến là Việt Nam.
Những động thái trên cho thấy Việt Nam đã và đang là một điểm đến vô cùng hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng cũng cho biết, hiện Cục Đầu tư nước ngoài đang có một danh sách hàng chục dự án Hàn Quốc đang chờ để đầu tư vào Việt Nam, trong đó, có dự án vài trăm triệu USD, có dự án hàng tỷ USD.
"Ngôi sao đang lên" và sẽ sớm toả sáng trở lại
Moody và S&P nhận định Việt Nam là một trong 2 quốc gia của châu Á có cải thiện về chỉ số tín dụng dài hạn ở mức ổn định, tích cực. Nikkei Asia đánh giá Việt Nam dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về đà phục hồi sau đại dịch COVID-19 và đứng thứ 8 thế giới.
JETRO đánh giá Việt Nam là địa điểm hấp dẫn đầu tư đứng thứ 3 trên thế giới và đứng thứ 2 khu vực châu Á. Theo khảo sát của EuroCham, mặc dù chỉ số niềm tin kinh doanh có sự sụt giảm trong quý II nhưng Việt Nam vẫn thuộc top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu.
Từ góc độ chuyên gia, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cũng đánh giá rằng, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong quá trình dịch chuyển đầu tư trên toàn cầu nhờ duy trì lợi thế mà nhiều quốc gia khác không có.
Sự suy giảm về đầu tư FDI trong các quý vừa qua mang tính chất thời vụ và nhất thời bởi các điều kiện kinh tế toàn cầu ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài.
"Họ đang chờ thời điểm để đầu tư và tâm lý chung là luôn luôn đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư của Việt Nam", ông Bình nói.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp Đại học Fulbright Việt Nam cũng cho rằng, việc các đoàn khảo sát đến Việt Nam trong thời gian gần đây cho thấy mối quan tâm của họ với chúng ta.Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn căn cứ trên sự đánh giá của các nhà đầu tư tiềm năng.
Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cũng chỉ ra rằng, câu chuyện về "chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng trong đó Việt Nam là một điểm đến" vẫn không hề thay đổi nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải ghi nhận những quan ngại của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua đối với điểm đến Việt Nam là có thật.
Vấn đề lớn nhất hiện nay nằm ở vấn đề thực thi. Sự "án binh bất động" trong cấp phép, giải quyết vấn đề về pháp lý, thủ tục cho nhà đầu tư vẫn chưa cải thiện đáng kể đáng kể. Đây vẫn là yếu tố tác động rất tiêu cực đến môi trường đầu tư của Việt Nam.
Công tác ngoại giao khẳng định quyết tâm chính trị rất lớn của Việt Nam trong thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Việt Nam cũng vẫn là một điểm đến ổn định cả về kinh tế vĩ mô lẫn ổn định về chính trị nhưng rõ ràng cần phải thể hiện trên việc thực thi thì mới giữ chân được các nhà đầu tư, chuyên gia đánh giá.
Còn theo TS. Lê Duy Bình, để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, điều quan trọng nhất là cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện các vấn đề về mặt thể chế, quy định pháp luật, tăng cường sự hỗ trợ đồng hành của các cấp đối với các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình họ đăng ký và triển khai các dự án tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có nỗ lực rất lớn để cải thiện cơ sở hạ tầng. Với nỗ lực như hiện nay, mỗi ngày Việt Nam sẽ có thêm 1 Km đường cao tốc hoàn thiện. Vì vậy, có thể kỳ vọng chỉ 5-7 năm nữa, chúng ta sẽ có một cơ sở hạ tầng rất mới, rất khác biệt so với trước đây.
Cùng với các hạ tầng kết nối như cảng biển, cảng hàng không và hệ thống hạ tầng viễn thông để tạo lợi thế rất lớn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, TS. Bình cho hay.
"Chúng ta kỳ vọng chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi sẽ chứng kiến được những dự án rất lớn đầu tư vào Việt Nam và làn sóng đầu tư FDI sẽ quay trở lại qua các con số về vốn đăng ký mới hay tỷ lệ giải ngân", TS. Lê Duy Bình cho hay.