Tài chính

Việc nhẹ, lương cao, kỳ nghỉ dài: Giới trẻ Trung Quốc đang đổ xô đi tìm việc ở châu Phi

Sang châu Phi làm việc trở thành xu thế

Khi Zhu Yuying bắt đầu tìm việc sau khi tốt nghiệp vào mùa thu này, chàng sinh viên chuyên ngành tài chính nhanh chóng nhận ra mọi thứ không hề đơn giản.

Zhu đã gửi khoảng 70 đơn xin việc, tham dự nhiều vòng phỏng vấn, nhưng chỉ nhận được lời mời cho những vị trí có mức lương khởi điểm ít ỏi là 90.000 nhân dân tệ (gần 13.000 USD/năm).

Một ngày nọ, Zhu vô tình thấy một video. Trong đó, một vlogger đã đề xuất một hướng đi khá mới mẻ để tìm một công việc lương cao: chuyển đến Châu Phi.

Zhu đã thử gửi sơ yếu lý lịch của mình cho một số doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Trong vòng vài ngày, anh đã được thuê làm trợ lý tài chính cho một tập đoàn xây dựng hoạt động tại lục địa đen.

Mức lương hàng năm đủ để thuyết phục anh nhận công việc. Chàng trai 24 tuổi bắt đầu với lương khởi điểm là 240.000 nhân dân tệ, và con số này sẽ tăng lên hàng chục nghìn nhân dân tệ mỗi năm.

“Tôi dự định làm việc ở châu Phi trong vài năm, và sau đó sẽ quay trở về nước khi nền kinh tế tốt hơn,” Zhu nói.

Đối với những người trẻ tuổi Trung Quốc, chuyển đến châu Phi đang trở thành một xu thế. Với tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục, hàng triệu sinh viên tốt nghiệp đang phải vật lộn để tìm được việc làm với mức lương ổn định ở quê nhà.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên Trung Quốc đã tăng lên gần 20% vào mùa hè này, và mọi thứ dường như còn khó khăn hơn. Mùa thu năm nay, nhiều nhà tuyển dụng Trung Quốc đã công bố kế hoạch cắt giảm tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, nhiều người đang thử vận may ở châu Phi. Với lợi thế như lương cao, thời gian nghỉ dài, hay công việc không đòi hỏi cường độ lớn, đang trở nên hấp dẫn đối với một thế hệ trẻ của Trung Quốc đang phải xoay sở trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Hiện chưa có con số chính xác có bao nhiêu sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc đang chuyển đến châu Phi, nhưng đang có sự gia tăng đáng kể mức độ chú ý về chủ đề này trên mạng xã hội Trung Quốc.

Li Yao, 26 tuổi, làm việc cho một công ty Trung Quốc ở Guinea, đã tận mắt chứng kiến sự thay đổi này. Kể từ khi bắt đầu viết vlog về cuộc sống của mình tại đây vào năm 2020, cô đã thấy ngày càng nhiều người có ảnh hưởng ở Trung Quốc bắt đầu đăng nội dung tương tự.

Li cho biết các bài đăng với lời khuyên về việc chuyển đến châu Phi đang ngày càng nhận được sự quan tâm: cách tìm việc làm, hành lý cần mang theo, những điều nên làm và không nên làm... Hầu hết các bài đăng của cô về những chủ đề này thường nhận được vô số các câu hỏi và bình luận liên quan.

Ma, một tốt nghiệp sinh ngành kế toán 24 tuổi, cũng đồng ý chuyển đến châu Phi sau khi cố gắng tìm việc ở quê nhà nhưng không thành công. Giống như Zhu và Li, Ma đã theo học một trường đại học tầm trung và nhận thấy cô có rất ít lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp vào mùa hè này.

Cô nộp đơn cho khoảng 300 vị trí ở Trung Quốc, nhưng chỉ nhận được hai lời đề nghị từ các công ty hứa hẹn mức lương hàng năm là 50.000 nhân dân tệ. Sau đó, giống như Zhu, cô bắt đầu tìm kiếm cơ hội ở các công ty Trung Quốc đang hoạt động tại châu Phi, và nhanh chóng kiếm được một công việc với mức lương cao hơn nhiều.

Ida chuyển đến Cộng hòa Dân chủ Congo vào cuối năm 2021, sau khi hoàn thành bằng cử nhân tiếng Pháp tại một trường cao đẳng tầm trung.

Mặc dù mắc bệnh sốt rét 5 lần, cô gái 23 tuổi cho biết rất hài lòng vì quyết định của mình. Cô đặc biệt ấn tượng với điều kiện sinh sống, bao gồm việc công ty chủ quản - một tập đoàn nhà nước Trung Quốc - cung cấp đồ ăn và chỗ ở miễn phí cho nhân viên.

“Chỗ ở thậm chí còn tốt hơn mong đợi. Tôi rất hài lòng", cô nói.

Ida, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Pháp đang làm việc tại Congo, nói rằng các sinh viên Trung Quốc từng học tại các trường đại học ngoại ngữ hàng đầu ở Trung Quốc và Pháp hiện đang nộp đơn xin gia nhập công ty của cô. Cô cho biết thêm, nhiều người trong số họ thậm chí còn có bằng thạc sĩ.

Lương cao, không áp lực công việc nhưng cuộc sống buồn chán

Khi được hỏi về những lợi thế khi sống ở Châu Phi, hầu hết những người trẻ tuổi đều tập trung vào các mối quan tâm về tài chính: lương cao và chỗ ở miễn phí, cũng như chi phí sinh hoạt thấp.

Những người khác đề cập đến các kỳ nghỉ dài: Nhiều công ty Trung Quốc ở châu Phi sẵn sàng cho người lao động nghỉ phép một tháng sau khi hoàn thành khối lượng công việc trong khoảng 3-5 tháng, cao hơn nhiều so với chủ lao động thông thường ở Trung Quốc. Một số người cũng cho biết họ đánh giá việc sức ép làm việc thấp hơn so với ở quê nhà.

Theo Li, khi nói đến những hạn chế của việc sống ở châu Phi, mối quan tâm về an toàn thường là ưu tiên hàng đầu trong tâm trí mọi người.

Hiện đang làm việc tại Guinea, nơi xảy ra cuộc đảo chính vào năm ngoái, Li cho biết cô khuyên người lao động Trung Quốc nên tránh những nơi đông người, sử dụng phương tiện giao thông công cộng và hạn chế ra ngoài vào ban đêm.

Cô cũng khuyên nên nhờ một người bạn địa phương đi cùng khi đi mua sắm, vì người dân địa phương thường bán hàng với giá “trên trời” đối với người Trung Quốc vì tin rằng họ giàu có.

Tình hình y tế là một vấn đề quan tâm phổ biến khác. Theo Li, nhiều người Trung Quốc chưa từng sống ở vùng cận Saharan châu Phi sợ mắc bệnh sốt rét. Nhưng Ida, người mắc bệnh căn bệnh này ba tháng một lần kể từ khi chuyển đến Congo, nói rằng sốt rét thường không nghiêm trọng hơn bệnh cúm, vì hầu hết các quốc gia châu Phi đều có hệ thống y tế hiệu quả chữa trị căn bệnh này.

Nhưng việc tiếp cận điều trị các vấn đề sức khỏe thông thường, chẳng hạn như đau răng, có thể khó khăn hơn. Ida nói: “Sẽ mất khoảng hai giờ để đến một bệnh viện tiêu chuẩn do người nước ngoài làm chủ. Và nó không hề rẻ.”

Bên cạnh đó, ở trong các khu nhà của công ty, người lao động Trung Quốc thường phàn nàn về sự buồn chán. Nhiều người cho rằng thiếu các lựa chọn giải trí ở hầu hết các nước châu Phi.

Li cho biết cô trở thành vlogger phần lớn là để lấp đầy thời gian của mình. Sự buồn chán bao trùm, Li cho biết hầu như tháng nào cô cũng khóc và thỉnh thoảng bị “suy sụp tinh thần”. Cô nghĩ rằng nhiều người có ảnh hưởng trên mạng xã hội Trung Quốc ở Châu Phi cũng đang tạo nội dung vì những lý do tương tự.

Tuy nhiên, bất chấp mọi lời phàn nàn, nhiều người lao động dường như đã nảy sinh tình cảm với mảnh đất mới. Li hào hứng nói về mặt trời dường như không bao giờ lặn ở Guinea. Ida say sưa với nhịp sống chậm rãi ở Congo. Suna, người đã sống nhiều năm ở châu Phi, vẫn luôn thấy cảm xúc dâng trào khi ngắm nhìn cảnh biển Địa Trung Hải sau một thập kỷ sống ở Algeria.

Trong khi đó, Zhu nói rằng anh ấy rất vui khi được chuyển đến một quốc gia mới. Mặc dù vẫn chưa chắc mình sẽ sống ở đâu, nhưng anh cảm thấy rằng làm việc trong một khu vực năng động như vậy sẽ mang lại nhiều cơ hội.

Hiện tại, Zhu dự kiến ​​sẽ làm việc ở Châu Phi trong 3 năm. Nhưng anh không loại trừ việc ở lại lâu hơn. Zhu không vội kết hôn, và bố mẹ anh ấy đều có sức khỏe tốt. Anh nói, những kỳ nghỉ dài thậm chí sẽ cho phép anh gặp họ 2 tháng mỗi năm – lâu hơn so với khi anh ấy làm việc ở Trung Quốc.

“Nếu công việc thực sự có tiềm năng và nếu gia đình ủng h, tôi thực sự có thể dành cả cuộc đời để làm việc ở châu Phi,” Zhu nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm