Doanh nghiệp

Vì sao tập đoàn Phương Trang xuất hiện tại toà xử án Vạn Thịnh Phát?

Đại diện Tập đoàn Phương Trang có mặt tại toà xử án Vạn Thịnh Phát

Trong phiên toà xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát, lời khai của bà Trương Mỹ Lan cho biết, công ty Thành Hiếu của Tập đoàn Phương Trang từng có giao dịch từ trước với Ngân hàng SCB cũ.

Tuy nhiên đại diện Phương Trang lại trình bày hoàn toàn không biết về khoản vay của Công ty Thành Hiếu tại SCB. Theo vị này, việc chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông công ty Thành Hiếu là không liên quan đến bà Lan và Vạn Thịnh Phát. Do đó Phương Trang đề nghị xem xét gỡ phong tỏa cho công ty.

Tại tòa, hội đồng xét xử thông báo Thành Hiếu là chủ đầu tư của 3 dự án. Tại SCB, Thành Hiếu xuất hiện nhiều giao dịch vay vốn tại ngân hàng. Trong đó, có khoản vay có tài sản đảm bảo là toàn bộ lợi ích thu được từ việc khai thác dự án khu thương mại và nhà cao tầng Golden Gate tại Phường Tân Hưng, Quận 7, Tp.HCM phát sinh từ các văn bản pháp lý, văn bản chấp thuận/phê duyệt của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chủ đầu tư dự án là Công ty Thành Hiếu. Tài sản gồm các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, các hợp đồng, thoả thuận bồi thường của chủ đầu tư dự án đối với các cá nhân/tổ chức...

Từng được "gọi tên" trong vụ án lớn trước đó

CTCP Thương mại và xây dựng Thành Hiếu thành lập tháng 7/2003 do ông Nguyễn Hữu Luận làm Chủ tịch HĐQT. Công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, mua bán vật liệu xây dựng. Thành Hiếu đã nhiều lần thay đổi vị trí Tổng Giám đốc. Hiện, người đại diện theo pháp luật của Công ty là bà Nguyễn Thị Huyền Anh - Chủ tịch HĐQT và ông Phạm Nguyễn Bảo Trung - Tổng giám đốc.

Không chỉ trong vụ Vạn Thịnh Phát, Phương Trang từng là bên liên quan trong đại án Trustbank (Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam CB Bank - VNCB) liên quan Phạm Công Danh và Hứa Thị Phấn.

Ở vụ án này, nhóm Phương Trang dùng 36 tài sản là bất động sản thế chấp để vay tiền tại Trustbank. Các tài sản này cũng đã bị kê biên trong quá trình truy tố vụ án. Tại phiên tòa lúc bấy giờ, Trustbank khẳng định đã giải ngân đủ 9.000 tỷ đồng cho Phương Trang, và yêu cầu Phương Trang trả cả gốc và lãi hơn 27.000 tỷ đồng. Tuy vậy, theo kết luận vụ án, Hứa Thị Phấn đã lợi dụng ảnh hưởng của mình để chỉ đạo hạch toán thu chi khống, đẩy dư nợ cho công ty Phương Trang hơn 5.256 tỷ đồng.

Sau cùng, Hội đồng xét xử tuyên buộc Công ty Phương Trang phải có trách nhiệm thanh toán khoản nợ gốc mà Công ty Phương Trang thực nhận là hơn 3.936 tỷ đồng cùng lãi phát sinh đến thời điểm khởi tố vụ án với tổng số tiền là hơn 6.400 tỷ đồng.

Hệ sinh thái Phương Trang: Phủ sóng từ vận chuyển, du lịch đến cả bất động sản

Phương Trang là cái tên không còn xa lạ. 

CTCP Đầu tư Phương Trang (Futa Corp) được thành lập vào ngày 12/2/2003. Công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực như mua bán xe ô tô, vận tải hành khách, bất động sản và kinh doanh dịch vụ. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật hiện tại của Futa Corp là ông Phạm Đăng Quan.

Sau hơn 20 năm trong hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách, hãng xe Phương Trang đã trở thành một trong những hãng xe nổi tiếng tại Việt Nam với quy mô sở hữu hàng ngàn đầu xe các loại phục vụ cho mọi nhu cầu của khách hàng. Tập đoàn cũng mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực mua bán ôtô, vận tải hành khách, bất động sản và kinh doanh dịch vụ với các thương hiệu FUTA Bus Lines, Futa Express, Futa Land, Futa Taxi, Futa Travel….

Năm 2013, Futa Corp chính thức thành lập CTCP Xe khách Phương Trang (Futa Bus Lines) để khu biệt mảng kinh doanh cốt lõi, là vận tải hành khách. Ghi nhận, Futa Bus Lines liên tục có thay đổi đáng kể về người đại diện. Đến nay, FUTA Bus Lines đang do ông Đào Viết Ánh làm đại diện; ông Ánh còn là đại diện các công ty liên quan như CTCP Vận tải Futa - Hà Sơn, Công ty TNHH Thành Hiệp Phát…

Từ một doanh nghiệp nhỏ với số lượng đầu xe chỉ từ 5 đến 10 xe khách các loại, Futa Bus Lines hiện trở thành doanh nghiệp vận tải hàng đầu. Theo website, trung bình mỗi ngày xe khách liên tỉnh của Futa Bus Lines đạt hơn 1.000 chuyến, phục vụ hơn 20 triệu lượt khách hàng năm thông qua 350 phòng vé – bưu cục. Các tuyến phổ biến của Futa Bus Line có thể kể đến TP HCM - TP Đà Lạt, TP HCM - TP Cần Thơ, TP Đà Lạt - TP HCM, TP Đà Lạt - TP Đà Nẵng, TP Đà Lạt - TP Cần Thơ....

Ngoài xe khách và taxi, Phương Trang còn hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực chuyển phát nhanh với thương hiệu Futa Express, được điều hành và quản lý bởi CTCP Dịch vụ Chuyển phát nhanh Phương Trang Futa (Futa Express).

Ngoài kinh doanh vận tải hành khách, Phương Trang còn phát triển sang các lĩnh vực về du lịch, khách sạn, khu nghỉ dưỡng và đặc biệt là bất động sản. Trong đó, Futa Land chính thức thành lập năm 2010.

Thời điểm đầu, Futa Land tập trung vào các phân khúc căn hộ trung và cao cấp, biệt thự, nhà phố, đất nền và trung tâm thương mại phức hợp. Một số dự án trọng điểm của FutaLand lúc bấy giờ có thể kể đến New Pearl (192 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, Tp.HCM) với diện tích 2.200 m2, có giá bán lên đến 90 triệu đồng/m2. Sau đó, là hàng loạt các dự án như The Landmark City, quận 1 (4.261 m2), dự án Quang Thuận, quận Thủ Đức (1,2 ha), Golden Gate, quận 7 (1,9 ha), dự án Han Riverview, Đà Nẵng (1,4 ha) và Khu đô thị mới Futa Cove, Đà Nẵng (120 ha).



Cùng chuyên mục

Đọc thêm