Tài chính

Vì sao nhân viên tư vấn bảo hiểm hay nghỉ việc?

Sau diễn viên Ngọc Lan, đến lượt NSƯT Kim Tử Long tiết lộ chuyện anh từng bị hủy hợp đồng bảo hiểm và mất trắng hơn 100 triệu đồng sau khi đóng được 3 năm. Kim Tử Long cho biết, khi liên hệ lại với nhân viên bảo hiểm thì nhận được câu trả lời là họ đã nghỉ, không bán bảo hiểm nữa.

Không chỉ riêng nghệ sĩ Kim Tử Long mà nhiều khách hàng khác cũng phàn nàn, khi gặp vướng mắc trong hợp đồng bảo hiểm hay giải quyết những vấn đề liên quan mới liên hệ với nhân viên bán bảo hiểm, đại lý bảo hiểm thì được báo đã nghỉ việc, khiến sự việc trở nên rối rắm.

Anh Trần Thế Hà (Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) từng gặp trường hợp thót tim khi người tư vấn bán bảo hiểm ban đầu nghỉ việc. Do trước đó chỉ liên lạc với người này nên sau khi tư vấn viên nghỉ, anh Hà cũng quên luôn thời hạn đóng phí. Đến khi nhớ ra thì anh mới biết là hợp đồng quá hạn đóng phí.

Vì sao nhân viên tư vấn bảo hiểm hay nghỉ việc? - Ảnh 1.

Bảo hiểm nhân thọ thời gian gần đây gặp nhiều chuyện ồn ào vì bị khách hàng tố cáo.

"Rất may là nhờ chính sách gia hạn đóng phí 60 ngày nên tôi vẫn được hưởng quyền lợi. Sau lần đó, tôi cũng chú ý hơn, tự mình quản lý hợp đồng bảo hiểm, không phụ thuộc hoàn toàn vào các bạn tư vấn viên nữa", anh Hà chia sẻ.

Tuy nhiên, theo anh Hà, việc tư vấn viên bảo hiểm nghỉ việc sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý của khách hàng, vì đó thường là người đầu tiên khách hàng tiếp xúc, khiến khách tin tưởng và quyết định ký kết hợp đồng. Khi người này nghỉ việc, khách sẽ lo lắng không biết hợp đồng của mình chuyển giao cho tư vấn viên nào, có vấn đề gì không nếu phát sinh tranh chấp.

Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao các tư vấn viên bảo hiểm hay nghỉ việc?

Chia sẻ với PV VTC News , nhiều nhân viên bán bảo hiểm cho biết, họ chủ yếu khai thác, bán bảo hiểm cho các mối thân quen, người trong gia đình và rất khó khai thác được từ người lạ. Khi các nguồn khai thác trên cạn kiệt, nhân viên tư vấn không được hưởng % hoa hồng từ hợp đồng mới, không có lương, đồng nghĩa với không có thu nhập và họ buộc phải nghỉ. Không đạt doanh số, họ cũng dễ bị đại lý cấp trên sa thải để tuyển nhân viên mới, đại lý mới nhằm đem lại nguồn khách mới.

Chị Trần Thị Thanh Thủy, nhân viên tư vấn của một đại lý bảo hiểm ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã nghỉ việc chia sẻ: Các nhân viên bảo hiểm, tư vấn tài chính, đại lý bảo hiểm có thu nhập chủ yếu từ % hoa hồng của các hợp đồng khai thác, ký kết được lần đầu. “ Bán bảo hiểm cũng chẳng khác bán hàng đa cấp, người trực tiếp ký hợp đồng lần đầu được hưởng từ 20 - 40% hoa hồng, quản lý cấp trên tuỳ theo mức hưởng từ 2 - 5% của hợp đồng mới lần đầu.

Đây chính là lý do khiến cho nhiều nhân viên bán bảo hiểm rất nhiệt tình, không kể ngày đêm tiếp cận khách hàng, cốt sao ký được hợp đồng mới. Với nhân viên bán bảo hiểm, đại lý như chúng tôi trước đây, có hợp đồng mới là có thu nhập. Đây có thể cũng là câu trả lời cho câu hỏi vì sao trong 3 năm đóng phí đầu tiên, khách hàng hủy hợp đồng lấy tiền về chỉ được 30% tổng giá trị hợp đồng vì phí hoa hồng, phí quản lý và các loại phí khác của bảo hiểm quá cao”, chị Thủy nói.

Nhưng theo chị Thủy, nhân viên tư vấn bảo hiểm thường bị áp doanh số rất cao. Trong khi đó, phần lớn họ chỉ coi đây là nghề tay trái, mang tính thời điểm nên vẫn phải đi làm thêm những nghề khác để kiếm thêm thu nhập. Chính vì thế nên hầu hết những người làm bán thời gian thì lại không đủ doanh số. Sau thời gian kéo dài tình trạng này, họ sẽ chán nản vì không thấy tương lai và từ đó xin nghỉ để tập trung vào công việc chính hoặc chuyển nghề.

Trong khi đó, chị Thùy Linh ở quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, làm tư vấn viên bảo hiểm vô cùng khó. Không chỉ phải hiểu biết về kiến thức bảo hiểm để tư vấn cho khách hàng, xử lý những thắc mắc và cả sự cố của khách hàng mà còn phải chăm sóc khách hàng kỹ lưỡng, nhắc nhở khách mỗi khi đến hạn nộp tiền. Nhưng không ít trường hợp, khách hàng thiếu cảm thông hoặc không tin tưởng, thậm chí là gây áp lực. " Khách mua bảo hiểm thường là người có tài chính. Do xót tiền nên họ thường có thái độ thiếu hòa nhã mỗi khi xảy ra sự cố và người đầu tiên họ đổ trách nhiệm lên là tư vấn viên, dù có thể họ mới chính là người sai. Còn có người có thái độ trịnh thượng hoặc không tin tưởng nhân viên bảo hiểm sau những sự cố xảy ra ở đời sống thường ngày nên dễ dàng phủi sạch những mặt tích cực mà bảo hiểm và nhân viên bảo hiểm mang lại cho họ. Tiếp xúc nhiều với những khách hàng như thế, nhiều nhân viên tư vấn mất dần tính kiên nhẫn và đến một giới hạn nào đó họ sẽ nghỉ việc ", chị Linh nói.

Trả lời VTC News về nội dung này, luật sư Trương Quốc Hoè, Trưởng văn phòng luật sư Interla cho biết, về nguyên tắc, các hãng bảo hiểm phải tối đa hóa lợi nhuận thì mới có kinh phí trả lợi nhuận, cắt % hoa hồng cho nhân viên bán bảo hiểm cho hợp đồng của năm đầu tiên. Và để kích thích nhân viên tích cực khai thác thị trường, họ cũng cắt % hoa hồng lớn để nhân viên nếu không khai thác được nguồn khách lạ thì phải cố khai thác nguồn khách là người thân, người quen, bạn bè. Nhưng nguồn đó không nhiều và nếu nhân viên không nhanh nhẹn, linh hoạt, năng động thì sẽ không xoay xở được, dẫn đến nản chí, dần bỏ cuộc.

Còn theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Đoàn luật sư Hà Nội, Chủ tịch SBLaw, người muốn làm tư vấn viên (đại lý) bảo hiểm nhân thọ phải đi học để hiểu rõ về bảo hiểm nhân thọ cũng như biết cách tư vấn khách hàng về điều lệ, quyền lợi trong các gói sản phẩm. Sau đó, các học viên sẽ phải trải qua kỳ thi sát hạch do Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức thi mới được trở thành tư vấn viên bảo hiểm.

Tuy nhiên, trong số hàng trăm tư vấn viên mới, cũng chỉ ít người có thể duy trì hoạt động và trụ lại với nghề. Còn lại hầu hết do không khai thác được thị trường từ khách hàng lạ, không có thu nhập nên họ phải nghỉ việc giữa chừng.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm