Xã hội

Vì sao Nha Trang được chọn làm trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa mới?

Tóm tắt:
  • Nha Trang được chọn làm trung tâm hành chính mới sau khi sáp nhập tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa.
  • Lựa chọn này dựa trên cơ sở hạ tầng và vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển.
  • Sự kết hợp giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận hứa hẹn mở ra tiềm năng du lịch và năng lượng tái tạo.
  • Việc sáp nhập sẽ tinh gọn bộ máy nhà nước và nâng cao hiệu quả hoạt động chính trị.
  • Đơn vị hành chính mới sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ vào vị trí đắc địa và tài nguyên phong phú.

Khi hai tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa tiến tới sáp nhập, một trong những quyết định quan trọng nhất là lựa chọn vị trí đặt trung tâm hành chính - chính trị cho đơn vị hành chính mới. TP.Nha Trang hiện nay đã được chọn làm trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa mới với nhiều lý do chiến lược và thực tiễn.

Vì sao chọn Nha Trang?

Trao đổi với phóng viên Thanh Niên bên lề hội nghị triển khai thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa giải thích lý do chọn Nha Trang: "Không phải vấn đề tỉnh lớn hay nhỏ, mà là dư địa phát triển hiện tại buộc phải dùng trung tâm hành chính tại Khánh Hòa. Tuy nhiên trong tương lai, tùy theo nhu cầu phát triển, có thể chọn vị trí khác như Cam Ranh hoặc Cam Lâm".

Vì sao Nha Trang được chọn làm trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa mới?- Ảnh 1.

TP.Nha Trang hiện nay được chọn làm trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa mới với nhiều lý do chiến lược và thực tiễn

ẢNH: BÁ DUY

TP.Nha Trang là lựa chọn hợp lý vì nhiều yếu tố như có cơ sở hạ tầng hành chính hoàn thiện, vị trí địa lý thuận lợi cho việc điều hành. Tiềm năng phát triển đô thị phù hợp định hướng TP trực thuộc T.Ư. Ngoài ra còn sẵn có trụ sở để bố trí làm việc cho các sở ban ngành của tỉnh mới.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, dự thảo của Bộ Chính trị không nêu rõ trung tâm hành chính của tỉnh mới phải đặt tại Nha Trang. Đây là quyết định thực tiễn trong giai đoạn chuyển tiếp.

Không gian phát triển mới đầy tiềm năng

Ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh tính chiến lược của việc hợp nhất hai tỉnh: "Đây không đơn thuần là mở rộng địa giới hành chính mà là mở rộng không gian phát triển. Khánh Hòa - Ninh Thuận sở hữu bờ biển dài, tài nguyên dồi dào, có điều kiện lý tưởng để phát triển năng lượng sạch, du lịch và kinh tế biển".

Phân tích tiềm năng của vùng đất mới, có thể thấy một sự kết hợp đầy triển vọng như Khánh Hòa với thế mạnh về du lịch biển đẳng cấp quốc tế (Nha Trang, Cam Ranh) và cảng biển sâu Vân Phong. Ninh Thuận có ưu thế về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và nông nghiệp đặc thù vùng khô hạn.

"Bên cạnh những điểm sáng như vịnh Vân Phong, Ninh Chữ, Bãi Dài - Cam Ranh, cả hai địa phương còn có thế mạnh bổ sung về nông nghiệp: như nho, táo, măng tây ở Ninh Thuận; xoài, mít, sầu riêng ở Khánh Hòa. Việc hợp nhất hứa hẹn tạo ra vùng kinh tế nông - công - thương toàn diện", ông Tuân chia sẻ.

Vì sao Nha Trang được chọn làm trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa mới?- Ảnh 2.

Ninh Thuận có ưu thế về năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và nông nghiệp đặc thù vùng khô hạn

ẢNH: BÁ DUY

Tinh gọn bộ máy và tăng cường liên kết vùng

Theo đề án sắp xếp tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, việc chọn Nha Trang làm trung tâm hành chính dựa trên nhiều yếu tố chiến lược. Sáp nhập hai địa phương sẽ tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối trung gian, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Đồng thời, mở rộng không gian phát triển và bố trí hợp lý đội ngũ cán bộ công chức theo hướng chuyên nghiệp. Hai tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, có vị trí liền kề và đặc điểm tương đồng về địa lý, khí hậu.

Việc sáp nhập tạo không gian phát triển liên thông, đồng bộ về hạ tầng giao thông, logistics và các ngành kinh tế trọng điểm. Các tuyến đường kết nối (quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam) tạo nên liên kết vùng mạnh mẽ, thúc đẩy phát triển đa ngành.

Định hướng phát triển và bản sắc văn hóa

Việc sáp nhập theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, hướng tới xây dựng Khánh Hòa thành TP trực thuộc T.Ư và phát triển thành cực tăng trưởng khu vực.

"T.Ư rất sáng suốt khi yêu cầu triển khai Nghị quyết 09, và việc nhập Ninh Thuận vào Khánh Hòa lần này rất phù hợp với định hướng phát triển", Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh.

Vì sao Nha Trang được chọn làm trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa mới?- Ảnh 3.

Tháp Bà Ponagar (Khánh Hòa)

ẢNH: BÁ DUY

Đơn vị hành chính mới sẽ trở thành trung tâm năng lượng quốc gia, phát triển kinh tế biển và du lịch với bờ biển dài nhất cả nước (khoảng 490 km) và tuyến quốc lộ dài 210 km.

Về văn hóa, hai tỉnh có dấu ấn Chăm Pa rõ nét qua các di tích như Tháp Pô Klong Garai (Ninh Thuận) và Tháp Bà Ponagar (Khánh Hòa). Đặc biệt, cộng đồng người Chăm, Raglai đang sinh sống ở cả hai tỉnh tạo nên bản sắc văn hóa đặc trưng, đa dạng.

Việc chọn Nha Trang làm trung tâm hành chính mới không chỉ là quyết định hành chính mà còn là bước đi chiến lược hướng tới phát triển bền vững cho vùng đất có tiềm năng to lớn. Sự kết hợp giữa hai địa phương tạo ra động lực mới cho sự phát triển của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (24/4), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh sau khi lập đỉnh. Theo đó, vàng miếng SJC về mốc 119,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 118 triệu đồng/lượng.

Mắc lao ở bộ phận sinh dục

Sau hai tháng sốt kéo dài, người phụ nữ 32 tuổi được bác sĩ chẩn đoán mắc lao ở bộ phận sinh dục - một thể lao nằm ngoài phổi, khó phát hiện.