Ngáy xảy ra khi không khí không thể lưu thông qua mũi hoặc miệng một cách bình thường. Người ta có thể ngáy khi ngủ bất kể là ngày hay đêm.
Chúng ta có nghe thấy tiếng mình ngáy?
Bất cứ ai từng bị đánh thức bởi tiếng ngáy của người khác đều biết nó có thể lớn đến mức nào, trong khi người ngáy vẫn ngủ say sưa.
Câu hỏi đặt ra là người ngủ ngáy có nghe thấy tiếng ngáy của mình không?
Trao đổi với Live Science, tiến sĩ Anita Shelgikar - giáo sư lâm sàng về y học giấc ngủ và thần kinh học tại Đại học Michigan - cho biết: "Một số người thức giấc vì tiếng ngáy của chính họ. Nhưng những người khác lại không hề biết mình ngáy, bất kể mức độ nghiêm trọng hay tần suất ngáy".
Đó là do mỗi người có một ngưỡng kích thích khác nhau, hay xu hướng thức giấc khác nhau, bà Shelgikar giải thích.
Bà cho hay tùy thuộc vào từng cá nhân, một số tiếng ồn nhất định có thể gây khó chịu hơn những tiếng ồn khác. Và việc một người có thức giấc vì tiếng ngáy của mình hay không cũng có thể khác nhau tùy theo từng đêm.
"Tiếng ồn ảnh hưởng đến giấc ngủ có nhiều yếu tố. Có thể kể đến như âm lượng tiếng ồn, loại tiếng ồn, ngưỡng kích thích của cá nhân và các yếu tố môi trường khác có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ", bà Shelgikar nói.
Đối với một số người, những tiếng ồn như tiếng thì thầm hoặc tiếng nhạc nhẹ có thể gây rối loạn giấc ngủ. Nhưng có những người dường như không bị ảnh hưởng gì của tiếng ồn, đặc biệt là những người ngáy.
Một yếu tố khác là liệu người ngáy có đang trong giai đoạn ngủ REM ("giấc ngủ chuyển động mắt nhanh") hay không, đây là giai đoạn mọi người thường mơ khi ngủ.
"Một số dữ liệu cho thấy ngưỡng kích thích trong giấc ngủ REM thấp hơn so với giấc ngủ NREM [không phải REM]. Đối với nhiều người, tình trạng ngáy thường nặng hơn trong giấc ngủ REM. Sự kết hợp này có thể khiến một số người dễ nghe thấy tiếng ngáy của chính họ trong giấc ngủ REM", tiến sĩ Anita Shelgikar lý giải.
Làm gì để giảm ngủ ngáy?
Mặc dù ồn ào và khó chịu, ngủ ngáy không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên nếu ngáy có liên quan một tình trạng như ngưng thở khi ngủ thì có thể tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim, theo Phòng khám Cleveland. Lúc này cần đi khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa hô hấp.
Đối với những trường hợp ngáy thông thường, các bác sĩ gợi ý một số biện pháp có thể giúp giảm ngủ ngáy:
- Ngủ nghiêng: Ngủ nghiêng có thể ngăn mô họng và lưỡi chặn đường thở, giảm áp lực đường thở do trọng lượng của bụng, ngực và cổ, từ đó giúp giảm ngáy và cũng có thể điều trị chứng ngưng thở khi ngủ.
- Kê thêm gối khi ngủ: Kê thêm gối để đỡ đầu khi ngủ sẽ khiến khí quản thông thoáng hơn, giúp phần sau họng không bị xẹp xuống gây ngáy. Ngoài ra cũng có thể nâng đầu giường lên cao để giảm ngáy.
- Dùng máy tạo độ ẩm thông xoang: Nếu ngáy là do cảm lạnh hoặc nghẹt mũi, có thể đặt máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ để làm thông xoang và tăng lưu lượng không khí trong khoang mũi để giảm triệu chứng ngáy.
- Tập thể dục nhiều hơn: Ngáy nghiêm trọng hơn ở những người béo phì, do cân nặng tăng lên làm tăng áp lực lên mô cổ và phổi, gây khó thở. Tập thể dục nhiều hơn không chỉ giúp giảm cân mà còn có thể tăng cường chức năng phổi và giảm ngáy.
- Không uống rượu: Rượu và các thuốc như thuốc an thần, thuốc ngủ, thuốc chống dị ứng và các loại thuốc khác không chỉ khiến hơi thở nông và chậm hơn mà còn khiến cơ bắp giãn ra hơn bình thường, khiến triệu chứng ngáy trở nên trầm trọng hơn.
- Giữ khoang mũi luôn thông thoáng: Điều trị kịp thời chứng dị ứng mũi, polyp mũi và các bệnh gây nghẹt mũi khác sẽ giúp giảm tình trạng ngáy và ngưng thở khi ngủ.
- Dùng miếng dán mũi: Miếng dán mũi có thể giúp mở rộng đường thở trong mũi, làm tăng luồng không khí và ngăn ngáy ngủ.
- Dùng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP): CPAP giúp giữ cho đường thở của bạn mở suốt đêm bằng cách cung cấp áp lực không khí qua mặt nạ. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả cho chứng ngưng thở khi ngủ, một tình trạng nghiêm trọng liên quan đến ngáy.
- Phẫu thuật: Nếu các biện pháp trên đều không hiệu quả, bác sĩ có thể khuyến nghị phẫu thuật. Họ sẽ loại bỏ mô dư thừa khỏi cổ họng hoặc mũi của người ngủ ngáy, hoặc sửa chữa bất kỳ dị tật nào gây tắc nghẽn đường thở.