Thời sự

Vì sao Nghị định quy định xử phạt vi phạm giao thông được ban hành rút gọn, có hiệu lực chỉ sau 6 ngày?

Những Văn bản quy phạm pháp luật nào được ban hành theo thủ tục rút gọn?

Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe được ký ban hành ngày 26/12/2024 và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.

Sau 2 tuần triển khai Nghị định 168, theo nhìn nhận của cơ quan chức năng, ý thức chấp hành luật lệ giao thông của người dân trên cả nước được ghi nhận đã có sự chuyển biến tích cực đặc biệt là văn hoá không lái xe sau khi đã sử dụng uống rượu, bia dần được cải thiện

Tuy nhiên, sau khi nghị định có hiệu lực thi hành, có nhiều ý kiến lan truyền trên mạng xã hội cho rằng "Nghị định 168/2024/NĐ-CP xây dựng sai thủ tục bởi từ ngày được ký ban hành tới khi có hiệu lực chưa đủ 45 ngày".

Ngày 12/1, đại diện Cục CSGT đã lên tiếng giải thích cho rằng ý kiến lan truyền trên mạng là không chính xác và khẳng định việc Nghị định được ban hành theo trình tự rút gọn là do tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự an toàn giao thông, cơ quan có thẩm quyền đã có những cuộc họp xem xét, quyết định ban hành.

Vậy Luật quy định những loại Văn bản quy phạm pháp luật nào được ban hành theo thủ tục rút gọn?

Cụ thể theo theo Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 (Được sửa đổi bởi khoản 44 Điều 1 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi 2020) quy định các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn như sau:

Trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp; trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cháy, nổ; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Trường hợp cần ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời bảo vệ lợi ích của Nhà nước,quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trường hợp cần sửa đổi ngay cho phù hợp vớivăn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; trường hợp cần ban hành ngay văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Trường hợp cần bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Trường hợp cần kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ hoặc một phần của văn bản quy phạm pháp luật trong một thời hạn nhất định để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Nghị định 168/2024/NĐ-CP được ban hành theo thủ tục rút gọn nằm trong trường hợp để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Vì sao Nghị định quy định xử phạt vi phạm giao thông được ban hành rút gọn, có hiệu lực chỉ sau 6 ngày?- Ảnh 1.

Hình ảnh người dân tuân thủ luật giao thông, dừng đèn đỏ vào tối ngày 12/1 - Ảnh: Tiền Phong

Ngoài các trường hợp được áp dụng theo hình thức rút gọn, thì Điều 151 của Luật trên cũng quy định rất rõ thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần văn bản quy phạm pháp luật được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương...

Văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, đồng thời phải được đăng ngay trên cổng thông tin điện tử của cơ quan ban hành và phải được đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng...

Nghị định 168/2024 là "giải pháp cần thiết"

Giải thích thêm về việc quyết định ban hành Nghị định 168/2024 theo trình tự rút gọn, đại diện cục CSGT cho biết, sau khoảng 5 năm áp dụng Nghị định 100/2019, thực tiễn phát sinh nhiều tình huống mới, đòi hỏi các quy định pháp luật phải được điều chỉnh để tăng tính răn đe và phù hợp với thực tiễn. Vì vậy, việc ban hành Nghị định 168 mang tính khẩn cấp nhằm đáp ứng tình hình thực tế về trật tự, an toàn giao thông và thực thi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

"Nghị định 168 không chỉ hợp pháp mà còn là giải pháp cần thiết nhằm đối phó với tình hình giao thông hiện tại", Thạc sĩ, luật sư Võ Công Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH Công Khánh Luật nhấn mạnh khi chia sẻ trên tờ Lao động và Công đoàn.

Vì sao Nghị định quy định xử phạt vi phạm giao thông được ban hành rút gọn, có hiệu lực chỉ sau 6 ngày?- Ảnh 2.

Nghị định 168 đã có sự chuyển biến tích cực - Ảnh: VTC News

Cụ thể, chiếu theo Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 có quy định các trường hợp xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn. Chiếu theo luật trên và đại diện Cục CSGT đã thông tin trước đó, có thể thấy, việc ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP theo trình tự, thủ tục rút gọn là hoàn toàn hợp pháp.

Tuy nhiên, luật sư Hạnh cũng cho rằng để đạt hiệu quả cao nhất, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ các quy định mới.

Ngoài ra, với tác động lớn của nghị định, theo luật sư, người dân, đặc biệt là công nhân, người lao động, những nhóm thường chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các mức xử phạt vi phạm tăng cao cần được hỗ trợ tiếp cận thông tin qua các chương trình giáo dục, phổ biến pháp luật.

Phòng CSGT Hà Nội thông tin, từ ngày 1/1 đến hết ngày 10/1, lực lượng chức năng toàn thành phố đã xử lý hơn 8.400 trường hợp vi phạm giao thông, qua đó phạt tiền hơn 21,5 tỷ đồng.

Trong đó, CSGT đã xử lý 302 trường hợp vượt đèn đỏ, 220 trường hợp đi vào đường cấm, đường ngược chiều, 570 trường hợp vi phạm tốc độ, hơn 1.200 trường hợp dừng đỗ sai quy định, hơn 1.800 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, hơn 2.600 trường hợp không đội mũ bảo hiểm. Công an TP Hà Nội cũng tạm giữ gần 2.500 phương tiện, tước 317 giấy phép lái xe.

Còn ở TP HCM, Phòng CSGT, Công an TP.HCM cho biết từ ngày 1/1/2025 đến ngày 7/1/2025, lực lượng cảnh sát giao thông thành phố kiểm tra, phát hiện xử lý hơn 11.800 trường hợp vi phạm, tạm giữ 4.333 phương tiện, tước giấy phép lái xe gần 2.100 trường hợp. Tổng số tiền phạt ước tính 42,5 tỷ đồng; so với thời điểm liền kề tăng 11 tỷ đồng.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm