Theo nhà tâm lý học Michele Goldman của Quỹ nghiên cứu về trầm cảm Mỹ, mọi người thường được giáo dục rằng yêu cầu giúp đỡ là yếu kém hoặc gây phiền hà. Định kiến này ăn sâu vào tâm trí, khiến chúng ta không dễ dàng lên tiếng nhờ giúp đỡ.
Nhà trị liệu tâm lý Lee Phillips (Mỹ) cho rằng những người ngại nhờ sự trợ giúp có thể đã lớn lên trong một gia đình nơi các thành viên không hay bộc lộ cảm xúc hoặc đã được rèn luyện để không trở thành gánh nặng cho người khác. Một lý do nữa, có thể họ không được cung cấp không gian an toàn để chia sẻ mong muốn.
Theo chuyên gia, điều quan trọng là bạn phải giải phóng bản thân khỏi sự phán xét đó. Phillips gọi đây là nỗi sợ hãi khi yêu cầu sự giúp đỡ và lưu ý rằng bạn hoàn toàn có thể loại bỏ cảm giác này bằng cách nghĩ về thời điểm ai đó nhờ bạn giúp đỡ. "Bạn có nghĩ họ là sự phiền hà? Có thể là không và bạn cũng như vậy".
Một số dấu hiệu bạn cần yêu cầu giúp đỡ
Dù bạn cần giúp đỡ tại chỗ làm, ở nhà hay đang gặp khó khăn về tinh thần, các dấu hiệu đều giống nhau. Theo Michele Goldman, nếu bạn thấy tâm trạng bị ảnh hưởng, chẳng hạn như thất vọng hoặc chán nản, sợ hãi, hãy yêu cầu sự giúp đỡ.
Một dấu hiệu khác, khi bạn liên tục nghĩ hoặc nói những cụm từ như "Tại sao tôi không bao giờ nhận được sự giúp đỡ nào?" hoặc "Tại sao mọi người không nhận thấy tôi khổ sở như thế nào?", có nghĩa bạn đã cần được trợ giúp. Những thay đổi lớn trong cuộc sống, chẳng hạn như một chuyện đau buồn, kết thúc một mối quan hệ cũng có thể báo hiệu nhu cầu về sự giúp đỡ mà trước đây bạn có thể không cần tới.
Chuyên gia cảnh báo, nếu bạn đang có ý định làm hại bản thân, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức.
Làm thế nào để yêu cầu giúp đỡ?
Phillips nói rằng điều quan trọng nhất là phải tạm dừng suy nghĩ về lý do tại sao bạn cần giúp đỡ. "Bạn lo lắng sẽ bị từ chối? Vậy bạn nên tự hỏi xem mình có cần phải chịu trách nhiệm về cảm xúc của người khác hay không? Bạn có chắc rằng khi nói ra đề nghị muốn được giúp đỡ, bạn sẽ không nhận được sự hỗ trợ? Khi trả lời những câu hỏi này, bạn sẽ thấy việc nhờ giúp đỡ dễ dàng hơn", chuyên gia nói.
Nếu bạn lo lắng về cảm giác mình là gánh nặng cho ai đó, chuyên gia Goldman cho rằng bạn nên hỏi bạn bè, thành viên gia đình hoặc đối tác, ví dụ: "Tôi muốn nói chuyện với bạn về một vài điều đang xảy ra. Thời điểm nào là phù hợp với bạn?". Điều này cho phép họ đặt thời gian phù hợp và không rơi vào tình trạng quá tải, khiến họ có nhiều khả năng lắng nghe hơn. Bạn cũng nên truyền đạt chính xác mong muốn của mình với đối phương. Sự giúp đỡ có nhiều hình thức khác nhau và bạn có thể yêu cầu những gì bạn cần.
Chuyên gia Philip nhấn mạnh, trò chuyện với những người bạn thân có thể hữu ích nhưng khi xuất hiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần, rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ và có ý định tự tử, cần liên hệ với chuyên gia. Nếu bạn nhận thấy bản thân ngày càng cần có người khác, đó có thể là dấu hiệu của việc bạn cần đến sự giúp đỡ của y tế.
Bất kể bạn chọn phương cách nào, việc yêu cầu giúp đỡ ban đầu có thể khiến bạn thấy ngại ngùng. Tuy nhiên, bước đầu tiên là loại bỏ sự phán xét mà bạn có đối với chính mình, sau đó, việc yêu cầu giúp đỡ sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn.
(Theo Yahoo Life)